Đoàn Luật sư TP Hà Nội tổ chức Hội thảo Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Sáng ngày 21/8, tại trụ sở Tầng 7 Cung Trí thức, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

 

sdltd1

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Luật sư Đào Ngọc Chuyền – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội; Luật sư Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Trưởng Ban Xây dựng pháp luật & Trợ giúp pháp lý; Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến – Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cùng các luật sư thành viên thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

sdltd2

Luật sư Đào Ngọc Chuyền – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư Đào Ngọc Chuyền – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Đoàn Luật sư TP Hà Nội tích cực tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, mang tiếng nói của luật sư về các dự án luật mới hoặc luật sửa đổi bổ sung trình Quốc hội, trong đó có dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đoàn Luật sư TP Hà Nội là một trong những cơ quan nằm trong chuỗi hoạt động thực hiện đóng góp ý kiến liên quan đến việc thực hiện sửa đổi Luật thủ đô. Đoàn Luật sư thành Phố HN đã đồng hành cùng các cơ quan thực hiện các bước dự thảo, tiếp tục lần này để tiếp cận gần hơn đến với người dân, cử tri, trong đó có ý kiến của các luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Đoàn Luật sư TP Hà Nội kỳ vọng các luật sư thành viên tích cực tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), mang đến những góp ý tinh túy nhất, bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính Phủ thông qua.

sdltd3

Luật sư Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Trưởng Ban Xây dựng pháp luật & Trợ giúp pháp lý phát biểu dẫn đề Hội thảo

Luật sư Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Trưởng Ban Xây dựng pháp luật & Trợ giúp pháp lý cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những quy chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của thành phố Hà Nội, song cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là khi xây dựng văn bản pháp luật, đảm bảo mục tiêu để phát triển kinh tế; đáp ứng nhu cầu khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0; và phát triển nhưng vẫn phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, nền tảng cốt lõi của Thủ đô Hà Nội. Đây chính là những mục tiêu, quan điểm khi xây dựng Luật thủ đô (sửa đổi). Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 54 điều phạm vi sửa đổi toàn diện các lĩnh vực, các nội dung chính sách.

sdltd4

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến – Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội phát biểu đóng góp ý kiến

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến – Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội phát biểu đóng góp ý kiến mới trọng tâm vào những vấn đề đang có các phương án khác nhau như phạm vi áp dụng Luật Thủ đô, thẩm quyền Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội, phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, các biện pháp bảo vệ thủ đô, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, huy động nguồn vốn ngân sách cho phát triển thủ đô và quản lý tài sản công. Mặt khác, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến đề cao quan điểm xây dựng cho Thủ đô những chính sách đặc thù, vượt trội nhưng phải tuân thủ theo Hiến pháp và phù hợp với những quy định khác của pháp luật.

sdltd5

Luật sư Mai Bích Ngân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Luật sư Mai Bích Ngân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo cho rằng Luật Thủ đô sau 10 năm thi hành đã bộc lộ những hạn chế nhất định do việc thực thi chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ. Một số quy định còn mang tính định hướng chung, chưa có những quy định chi tiết về cơ chế đặc thù để có thể thực hiện trên thực tế. Để kịp thời khắc phục các hạn chế trên, Luật sư Ngân đưa ra những đóng góp Dự thảo Luật Thủ đô cụ thể để triển khai có hiệu quả trên thực tế đối với các vấn đề bảo vệ môi trường và giảm phát thải, phát triển nhà ở, phát triển giáo dục đào tạo, tính hợp lý của việc di dời các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu nội đô lịch sử, khu vực đô thị trung tâm,…

sdltd6

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng việc UBND giao cho doanh nghiệp do Thủ đô nắm giữ 100% vốn điều lệ quản lý, khai thác quỹ đất của Thủ đô (Khoản 5 Điều 30 Dự thảo) chưa phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật Đất đai 2013. Luật sư Hảo đề xuất giao cho tổ chức quản lý quỹ đất quản lý, khai thác quỹ đất của Thủ đô; bổ sung thẩm quyền của UBND thành phố nhằm quyết định tỷ lệ quỹ đất ở trong các dự án để dành cho việc xây dựng nhà ở xã hội, trường học và tăng chỉ tiêu đầu vào các trường học công lập nhằm phù hợp với thực trạng mật độ dân cư và nhu cầu của người dân hiện nay.

sdltd7

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Công ty Luật TNHH LS Ngọc Lan và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Công ty Luật TNHH LS Ngọc Lan và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phát biểu đồng tình với các ý kiến đóng góp của các luật sư đã đưa ra hội thảo, đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi về giám sát của công dân trong quản lý và sử dụng đất đai phù hợp với Hiến pháp, cần đảm bảo lấy ý kiến cộng đồng được quy định cụ thể trong Luật Thủ đô và đảm bảo thực hiện trên thực tế. Việc lấy ý kiến cộng đồng còn đảm bảo tính dân chủ và minh bạch trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Tại hội nghị cũng đã nhận được nhiều đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của các luật sư thành viên sửa đổi chi tiết các điều khoản cụ thể trong dự thảo. Những đóng góp ý kiến nêu tại Hội thảo đều bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước.

Kết thúc hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội đánh giá cao những đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các luật sư thành viên để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Đoàn luật sư TP Hà Nội ghi nhận, tổng hợp đầy đủ các đóng góp ý kiến để trình Bộ Tư pháp và Chính phủ.

Cũng tại Hội nghị, Trung tâm Bồi dưỡng CMNVLS thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội trao Giấy chứng nhận tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ luật sư cho các luật sư thành viên tham gia Hội thảo nhằm ghi nhận những đóng góp sôi nổi và trách nhiệm của các luật sư thành viên.

sdltd9

Trung tâm Bồi dưỡng CMNVLS thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội  trao Giấy chứng nhận tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ luật sư cho các luật sư thành viên tham gia Hội thảo

 

Luật sư Phạm Vân –Ban Truyền thông – Văn thể Đoàn Luật sư TP Hà Nội

LIÊN HỆ CHÚNG TÔI

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Địa chỉ: Tầng 7 - Cung Trí Thức, Số 1 Tôn Thất Thuyết, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: www.luatsuhanoi.vn - Email: doanluatsuhn@gmail.com -

Điện thoại: 02437 624 706 - 02437 624 707
Trường hợp khẩn cấp : 0949559898

Thông tin tài khoản ngân hàng: Đoàn Luật Sư Tp Hà Nội

Số tài khoản: 6666.6959.6666 - Ngân hàng TMCP QUÂN ĐỘI (MB) - Chi nhánh Điện Biên Phủ.

Số tài khoản: 1230.688.988 - Ngân hàng TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM (BIDV) - Chi nhánh Quang Trung.

DANH SÁCH MÃ QR TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI