Nộp phí thường niên hay còn gọi là phí hàng năm là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi Luật sư khi tham gia hoạt động hành nghề luật sư. Mức phí này được quy định bao gồm phí thành viên của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên và phí đóng cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Nộp phí luật sư thành viên là trách nhiệm của Luật sư
Theo quy định tại điều 37, điều 40 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Nghị quyết số 05/NQ-HĐLSTQ ngày 14/12/2015 của Hội đồng luật sư toàn quốc, “Luật sư phải đóng phí thành viên theo quy định của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Mức phí thành viên là 200.000 đồng/người/tháng”.
Mức phí trên được thống nhất trên toàn quốc và áp dụng từ ngày 01/01/2016. Phí thành viên được xem là nguồn kinh phí hoạt động của đoàn luật sư do thành viên của tổ chức đóng góp.
Triển khai công tác thu nợ phí thành viên của Đoàn luật sư TP Hà Nội
Thực hiện Nghị quyết của Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội về việc rà soát nghĩa vụ nộp phí thành viên và Quyết định số 87/QĐ-ĐLS của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về việc thành lập tổ công tác thu nợ phí thành viên tồn đọng (sau đây gọi là Tổ công tác 87) ngày 04/03/2022, theo đó, tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, kiểm tra danh sách nợ phí thành viên tồn đọng lâu năm, tiến hành các biện pháp cần thiết để đôn đốc, giám sát việc thu nợ phí thành viên và đề xuất Ban chủ nhiệm hướng xử lý đối với trường hợp nợ phí thành viên lâu năm nhưng vẫn cố ý không thực hiện nghĩa vụ theo quy định.
Sau hơn 02 tháng tích cực triển khai bằng nhiều hình thức, đôn đốc luật sư thành viên nộp phí, hoạt động của Tổ công tác 87 được ghi nhận với kết quả như sau:
Theo số liệu thống kê mới nhất, trong 5 tháng đầu năm 2022, Đoàn luật sư TP Hà Nội đã thu được 5.503.981.000 đồng, tăng 62 % so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được của Tổ công tác 87, vẫn còn tồn tại hiện tượng nhiều luật sư thành viên cố tình không thực hiện nghĩa vụ theo quy định mặc dù đã được Tổ công tác, kế toán và cán bộ văn phòng Đoàn luật sư TP Hà nội nhắc nhở nhiều lần bằng nhiều hình thức: gửi thư tín, thư điện tử, điện thoại liên hệ, gặp trực tiếp,…
Được biết, việc nộp phí thành viên là nghĩa vụ của luật sư, được quy định cụ thể tại Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Nội quy Đoàn luật sư. Tổ công tác 87 cũng đã đề xuất với Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội về phương án giải quyết.
Trong thời gian tới, Tổ công tác 87 sẽ lập danh sách những luật sư còn nợ phí, đặc biệt là những luật sư nợ phí từ 18 tháng trở lên để trình Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội xem xét xóa tên khỏi danh sách luật sư thành viên của Đoàn theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 05/NQ-HĐLSTQ ngày 14/12/2015 của Hội đồng Luật sư toàn quốc.
18 tháng không đóng phí thành viên, Luật sư có bị xóa tên?
Theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 05/NQ-HĐLSTQ ngày 14/12/2015 của Hội đồng Luật sư toàn quốc:
“Điều 6. Xử lý vi phạm đối với luật sư không đóng phí thành viên
1. Luật sư không đóng phí thành viên 06 tháng thì bị Đoàn Luật sư nhắc nhở bằng văn bản.
2. Luật sư không đóng phí thành viên 12 tháng thì bị Đoàn Luật sư thông báo công khai trong phạm vi Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
3. Luật sư không đóng phí thành viên 18 tháng thì đương nhiên bị Đoàn Luật sư xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư.”
Việc xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư là hình thức kỷ luật cao nhất theo quy định tại Điều 40 Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam và điều 85 Luật Luật sư hiện hành. Theo đó, nếu Luật sư không đóng phí thành viên 18 tháng thì đương nhiên bị xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư.
Xóa tên đồng nghĩa với việc không được hành nghề luật sư?
Căn cứ điểm g, khoản 1, Điều 18 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 quy định: Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư.
Theo quy định tại Điều 11 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 thì khi bị thu hồi chứng chỉ hành nghề thì luật sư không đủ điều kiện để tiếp tục hành nghề.
Do đó, việc nộp đúng, đủ phí thành viên của Luật sư là điều cần thiết, các luật sư cần lưu ý trong quá trình hoạt động và hành nghề luật sư của mình. Mỗi Luật sư cần chủ động và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình được quy định tại Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Nghị quyết số 05/NQ-HĐLSTQ để hạn chế những rủi ro nêu trên.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài – Thành viên Tổ công tác 87 – Đoàn Luật sư TP Hà Nội