Kỷ niệm về chuyến đi trợ giúp pháp lý ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Đã trở thành truyền thống, cứ vào dịp tháng 10 hàng năm, Đoàn luật sư (ĐLS) thành phố Hà Nội đều tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý, kết hợp với ủng hộ từ thiện cho những đối tượng đặc biệt khó khăn của một số huyện thuộc các tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc. Các chương trình do ĐLS thành phố Hà Nội tổ chức không chỉ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân mà còn là những kỷ niệm khó phai đối với mỗi luật sư tham gia chương trình. Đặc biệt chương trình trợ giúp pháp lý kết hợp với ủng hộ từ thiện những ngày đầu tháng 10 năm 2015 tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang càng trở nên có ý nghĩa hơn bởi đây là một hoạt động thiết thực của ĐLS thành phố Hà Nội chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945- 10/10/2015) và cũng là dịp chào mừng thành công của Đại hội Đảng bộ khóa XVI (2015- 2020) của tỉnh Hà Giang.

 

Ý tưởng về chuyến đi trợ giúp pháp lý và ủng hộ từ thiện tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã được Ban Tổ chức ấp ủ từ nhiều tháng trước. Kế hoạch về tổ chức chuyến đi cũng đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Bảo đảm an toàn cho gần 50 luật sư với hành trình hàng 1000 cây số đường đèo núi cao, vực sâu (cả đi và về) là việc không hề đơn giản. Thậm chí, trước khi lên đường, Ban tổ chức còn tổ chức gặp mặt để trao đổi với những thành viên trong đoàn về những tình huống khó khăn có thể xảy ra. Thế nhưng, điều hết sức phấn khởi đó là các luật sư đều tỏ rõ sự quyết tâm cho chuyến đi với tinh thần: “ đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần trợ giúp còn cao hơn đèo”. Khi Ban tổ chức đặt vấn đề có thể một số luật sư sẽ phải nghỉ tại hội trường của UBND huyện hoặc nhà sàn, các luật sư đều sẵn sàng: “thức cùng đồng bào Đồng Văn”. Nói điều này để cho thấy tinh thần hy sinh, vượt khó để đến với đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới Đồng Văn, Hà Giang của luật sư Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đáng quý biết chừng nào.

Theo đúng kế hoạch, 6 giờ sáng ngày 02/10/2015, xe ô tô chở 42 luật sư lăn bánh khởi hành từ Cung Trí Thức (Hà Nội) để đến với Hà Giang. Hẳn nhiều người đã biết về phong trào văn nghệ của ĐLS thành phố Hà Nội là hết sức sôi nổi và phong phú, và trong cuộc hành trình này, tài năng văn nghệ của các luật sư lại được thể hiện rất sôi nổi.  Các tiết mục văn nghệ của luật sư trên chuyến xe đi Hà Giang mới thật sự ấn tượng và cảm động làm sao. Anh lái xe quê ở Hà Giang cũng phải thốt lên: “Em hành nghề lái xe đã hơn 10 năm, chạy biết bao nhiêu tuyến, biết bao nhiêu chuyến, nhưng chuyến này là vui nhất, luật sư Hà Nội hát hay quá”.

Sau 5 giờ xe chạy, cả đoàn dừng chân ở huyện Vỵ Xuyên vào lúc 11 giờ trưa (cách tỉnh lỵ Hà Giang đúng 18 cây số). Các luật sư đã vào viếng nghĩa trang liệt sỹ Vỵ Xuyên để thành kính dâng hương tưởng niệm hơn 1000 anh hùng, liệt sỹ an nghỉ tại đây. Hơn 1000 ngôi mộ ngay hàng, thẳng lối dường như các anh vẫn còn giữ nguyên kỷ luật của nhà binh, các anh có tên và chưa rõ tên đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Thật xúc động khi giới thiệu, ở đây có tới 600 chiến sỹ “sinh không cùng ngày, nhưng đã anh dũng hy sinh trong cùng một ngày, một trận” và tất cả các anh đều chưa xác định được danh tính. Nghe giới thiệu, chúng tôi còn được biết, vào những năm 79, 80 của thế kỷ trước, quân địch ở bên kia biên giới “vãi đạn” nhiều đến nỗi “đất đồi hóa thành sành, núi đá hóa thành vôi trắng xóa” mới thấy được các anh đã dũng cảm chiến đấu biết chừng nào.

Bùi ngùi vĩnh biệt các anh hùng liệt sỹ an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ Vỵ Xuyên, luật sư chúng tôi phải nhanh chóng lên xe cho kịp đến Hà Giang, để còn chuyển sang các xe nhỏ hơn mới có thể đến được Đồng Văn. Các bạn hãy hình dung: Đồng Văn là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang. Huyện lỵ Đồng Văn cách thành phố Hà Giang khoảng 150 cây số. Toàn huyện có 19 xã thì 9 xã có đường biên giới với Trung Quốc. Con đường đi đến Đồng Văn đã quanh co lại còn rất nhỏ, vì vậy, chỉ có thể đi bằng xe loại nhỏ và nếu có tránh nhau thì cũng phải xe dừng để xe khác trườn qua… xe ô tô 45 chỗ ngồi thì quyết không thể chạy được ở đây.

Khởi hành tại thành phố Hà Giang lúc 13 giờ 30’ và chỉ nghỉ chân ít phút ở đỉnh núi “cổng trời” Quảng Bạ để lấy sức rồi tiếp tục hành quân đến huyện Yên Minh. Cổng trời nơi biên cương vào buổi xế chiều cuối thu đầu đông tuyệt đẹp. Ai cũng xuýt xoa tiếc rẻ vì có quá ít thời gian để ngắm núi chồng núi, mây vờn mây làm ngất ngây những lữ khách như chúng tôi. Tất cả lại vội vàng nhanh chóng lên xe để kịp đến Yên Minh kẻo tối.

Phải mất hơn 5 giờ đồng hồ chúng tôi mới từ Hà Giang đến được huyện Yên Minh (cách Hà Giang 100 km). Dù Yên Minh chỉ còn cách Đồng Văn chừng 50 cây số, nhưng chúng tôi buộc phải nghỉ lại vì đường thì nhỏ, núi thì cao, vực lại rất sâu và sương mù dày đặc nên xe không tài nào chạy được vào buổi tối. Có đến đây mới biết Yên Minh là cửa ngõ của Đồng Văn, nhưng rất khó khăn về chỗ ăn, chỗ nghỉ. Các luật sư dù rất mệt nhọc sau chuyến đi dài, nhưng đều bắt tay ngày vào việc chuẩn bị cho buổi giao lưu và phổ biến pháp luật cho bà con các dân tộc huyện Yên Minh. Các luật sư không quyết tâm sao được, khi suốt cả ngày xe phóng thanh lưu động của Phòng Văn hóa thông tin Yên Minh liên tục thông báo về buổi tối giao lưu văn nghệ và tuyên truyền phổ biến pháp luật của ĐLS thành phố Hà Nội tối nay tại sân vận động Trung tâm.

Đúng 20 giờ tối, chúng tôi thật sự cảm động khi tận mắt chứng kiến hơn 1000 đồng bào bà con các dân tộc, cùng thanh niên và các cháu học sinh đã tề tựu đông đủ tại sân vận động. Mọi người đều hồ hởi, phấn khởi mong được thưởng thức chương trình giao lưu văn nghệ và tuyên truyền phổ biến pháp luật của các luật sư. Một đồng chí lãnh đạo UBND huyện Yên Minh tâm sự với chúng tôi: rất hiếm có sự kiện khiến nào mà bà con các dân tộc quan tâm và có mặt đông như thế này, bởi từ bản ra đến đây mất rất nhiều cây số, vừa tối vừa khó đi. Buổi tối Yên Minh có mưa nhỏ, nhưng bà con các dân tộc vẫn nhiệt tình tham dự, nên các luật sư đều cố gắng hát hay hơn, tuyên truyền phổ biến pháp luật được nhiều hơn. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, đêm khuya vùng cao như lạnh hơn, cuộc giao lưu tuyên truyền pháp luật được khép lại, mọi người ra về đọng lại trong lòng mỗi luật sư một ấn tượng khó phai mờ về tình người biên giới.

Sáng 03/10/ 2015, đúng 6 giờ 45’ đoàn tiếp tục lên đường để đến với các cháu của Trường Mầm Non xã Vần Chải, huyện Đồng Văn. Từ thị trấn Yên Minh đến xã Vần Chải, huyện Đồng Văn chỉ cách nhau chừng 12 cây số, thế nhưng cũng phải mất hơn 01 giờ đồng hồ xe chạy mới tới nơi. Đúng 8 giờ sáng chúng tôi mới đến được trường Mầm Non Vần Chải trong chào đón ân cần và vô cùng cảm động của cán bộ nhà trường. Do thời gian có hạn nên hoạt động tài trợ cho Trường Mầm Non Vần Chải được diễn ra nhanh chóng.

image001

Tạm biệt Vần Chải, chúng tôi nhanh chóng lên đường để đến với Trường Tiểu học PTDT nội trú xã Sùng Trái (cách Vần Chải khoảng 30 cây số). Cho dù là ngày nghỉ nhưng lãnh đạo UBND xã Sùng Trái, các thày cô giáo và bà con dân tộc đều đã có mặt tại Trường từ rất sớm để chuẩn bị đón tiếp chúng tôi. Cũng giống như ở Vần Chải, việc trao quà cho nhà trường được diễn ra nhanh chóng, vì luật sư muốn dành nhiều thời gian để tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con.

image003

Đảng ủy, UBND và các thầy cô giáo trường PTDT
nội trú Sủng Trái đón tiếp đoàn

image005

Luật sư Hoàng Huy Được – Trưởng Ban tổ chức
trao quà cho đại diện nhà trường

Tạm biệt trường PTDT nội trú xã Sủng Trái, chúng tôi tiếp tục lên đường để đến với thị trấn Đồng Văn. Theo đúng chương trình thì tối nay chúng tôi còn có buổi giao lưu văn nghệ và tặng quà cho các cháu học sinh Trường tiểu học phổ thông nội trú xã Sà Phìn, cách Đồng Văn hơn 10 cây số.

image007

Các luật sư trong đoàn giao lưu văn nghệ với UBND
xã Sà Phìn và Trung tâm VHTT&DL huyện Đồng Văn

Nếu ai đã một lần đến với Đồng Văn sẽ chẳng thể nào quên về con đường huyền thoại, con đường “đi trên mây đi tới cổng trời” trong ca khúc của nhạc sỹ Thanh Phúc. Con đường được mang tên là con đường hạnh phúc. Con đường hạnh phúc có chiều dài khoảng 200km chạy từ Hà Giang qua cao nguyên đá Đồng Văn và đỉnh Mã Pì Lèng rồi đến huyện Mèo Vạc. Đường được khởi công vào ngày 10/9/1959 và hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 10/3/1965. Để có con đường hạnh phúc hôm nay, không thể không nhắc tới công lao của hàng vạn thanh niên xung phong và đồng bào thuộc 16 dân tộc (Mông, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô…) của hai khu Cao, Bắc, Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn) và Hà, Tuyên, Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), cùng thanh niên xung phong từ hai tỉnh Hải Hưng, Nam Định tham gia mở đường. Dừng chân trên đỉnh Mã Pì Lèng chúng tôi được nghe kể, để chinh phục đỉnh Mã Pì Lèng đã có 17 thanh niên trong đội cảm tử phải treo mình bằng dây buộc vào một cây nghiến cổ thụ trên đỉnh núi ròng từ trên xuống, bám vào các vách đá ở độ cao trên 1.600 mét, ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng tay và dụng cụ thủ công. Nhiều công nhân đã đặt những chiếc quan tài và truy điệu sống các đồng chí thanh niên tình nguyện, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó. Những con người mở đường hạnh phúc “sống trên đá, chết vùi trong đá”, đá mẹ Đồng Văn đang ôm vào lòng mẹ 14 người con thanh niên xung phong, mãi mãi nằm lại với cao nguyên đá Đồng Văn.

 

image009

Con đường Hạnh Phúc nối liền Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc

 

Thời tiết vùng cao nguyên biên ải Đồng Văn vào mùa đông nhiệt độ có có thể xuống đến 1ºC, nhưng mùa hè nóng nhất cũng chỉ khoảng 24ºC. Đồng Văn quanh năm chỉ thấy mưa và sương mù nên người dân ở đây có câu: “thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày” và “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng“. Điểm cực Bắc của huyện Đồng Văn cũng là điểm cực Bắc của Việt Nam chính là xã Lũng Cú. Người dân ở đây thường nói: “nếu ai chưa lên Lũng Cú thì coi như người đó chưa đến Ðồng Văn”.

Sau khi đã hoàn thành việc tặng quà và tư vấn pháp luật cho 04 địa phương đúng như kế hoạch đã đề ra từ trước. Ngày 04/10/2015, các luật sư trong đoàn đã lên thăm cột cờ Quốc gia Lũng Cú, thăm “nóc nhà của Việt Nam“, nơi mà “cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời“. Hướng dẫn cho chúng tôi về di tích lịch sử quốc gia Lũng Cú là một cô gái xinh đẹp dân tộc Tày, cô là người địa phương vừa tốt nghiệp Đại học Văn hóa được điều động về công tác ở quê hương. Theo như lời cô hướng dẫn viên giới thiệu: Núi Lũng Cú còn có tên gọi là núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.700 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cột cờ chủ quyền quốc gia được đặt hiên ngang trên đỉnh Lũng Cú với lá cờ rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em sinh sống trên dải đất hình chữ S. Từ trên đỉnh cột cờ (đỉnh núi Rồng) nhìn xuống có 02 hồ nước hai bên núi được dân làng ở đây gọi là mắt Rồng, nước ở hai hồ không bao giờ cạn và là nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân tộc hai bản ở chân núi. Tương truyền, tại địa điểm dựng đồn biên phòng Lũng Cú nằm dưới chân núi (cách cột cờ khoảng 12 km), từ thời Tây Sơn sau khi đại thắng quân xâm lược phương Bắc, hoàng đế Quang Trungđã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn, và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng H’Mông là Long Cổ, tức trống của vua, và người H’Mông tại nơi đây hầu như đều biết đánh trống đồng. Rất có thể cũng vì một trong những lý do nói trên mà nhà nước Việt Nam khi xây dựng cột cờ đã đặt phù điêu trống đồng Đông Sơn dưới chân cột.

Đồn biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên Cột cờ Lũng Cú này và hầu như cứ khoảng 1 tuần hoặc lâu nhất là 10 ngày cờ lại phải được thay mới, do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh khiến cờ chóng hư hỏng. Vì vậy, lúc nào trong trạm cũng có hàng chục lá cờ lớn cỡ 54m2 để dự phòng. Quả thật có đến đây mới thấy hết được tầm vóc, khí phách của dân tộc Việt Nam hiên ngang, trường tồn với hồn thiêng sông núi.

Ngày 05/10/2015, các luật sư lên đường trở về Hà Nội, tạm biệt Đồng Văn, tạm biệt Hà Giang với những ngày ít ỏi và bao điều muốn nói. Tất cả đều có chung nỗi niềm là làm sao đóng góp được nhiều hơn cho Đồng Văn nơi biên giới, cho các em học sinh đầu trần, chân đất đạp đá tai mèo, vượt dốc cheo leo, đến trường học con chữ.

Từ biên giới trở về Hà Nội, chúng tôi rẽ vào di tích lịch sử Tân Trào để thăm nơi Bác ở chiến khu. Khu di tích lịch sử Tân Trào là một thung lũng nhỏ thuộc huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 41 km, cách Hà Nội khoảng 150 km. Khu di tích lịch sử Tân Trào tuyệt đẹp, sở dĩ nơi đây được Bác Hồ chọn là nơi làm việc bởi: “Tân Trào cách xa đường quốc lộ, gần nguồn nước, gần dân, thuận đường tiến, tiện đường lui”, phù hợp với kháng chiến. Các luật sư trong đoàn đã thành kính dâng hương lên Bác tại Lán Nà Nưa. Lán Nà Nưa nằm ở sườn núi Nà Nưa, cách làng Tân Lập gần 1 km về hướng đông, lán được dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của người miền núi, dưới các đám cây rậm rạp. Lán do đơn vị giải phóng quân dựng để Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 6 năm 1945 đến cuối tháng 8 năm 1945. Lán Nà Nưa có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, còn gian ngoài là chỗ Bác làm việc và tiếp khách. Tại căn Lán đơn sơ nhỏ bé này, ngày 4 tháng 6 năm 1945, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng và Quân giải phóng, chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội tại Đình Tân Trào.

 

image011

Các Luật sư dâng hương ở lán Nà Nưa

Đình Tân Trào là một ngôi đình nhỏ được xây dựng vào năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng. Đình thờ 8 vị thành hoàng làng đại diện cho các thần sông, thần núi của làng Tân Lập, xã Tân Trào. Dưới mái đình này, ngày 16 tháng 8 năm 1945 đã họp Quốc dân Đại hội để quyết định lệnh tổng khởi nghĩa, 10 chính sách lớn quy định quốc kỳ, quốc ca và cử ra một chính phủ lâm thời. Do không có nhiều thời gian nên chúng tôi không thể đi hết được tất cả các điểm trong khu di tích mà chỉ có thể đến chiêm ngưỡng Cây đa Tân Trào (cách đình Tân Trào khoảng 500 mét về phía Đông) mà thôi. Dưới cây đa cổ thụ 400 năm tuổi này, chiều 16 tháng 8 năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của đồng bào các dân tộc Tân Trào và 60 đại biểu. đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó hành quân về giải phóng Thủ đô.

Nghỉ chân dưới tán rừng Tân Trào trước khi về Hà Nội, nhiều luật sư đã viết lưu bút đầy cảm động và bày tỏ mong muốn ĐLS tổ chức nhiều hơn nữa các chuyến đi tương tự để luật sư có cơ hội chia xẻ với các cháu học sinh, với bà con dân tộc trên vùng cao biên giới.

 

Luật sư Hoàng Huy Được
Phó chủ nhiệm ĐLS thành phố Hà Nội

LIÊN HỆ CHÚNG TÔI

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Địa chỉ: Tầng 7 - Cung Trí Thức, Số 1 Tôn Thất Thuyết, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: www.luatsuhanoi.vn - Email: doanluatsuhn@gmail.com -

Điện thoại: 02437 624 706 - 02437 624 707
Trường hợp khẩn cấp : 0949559898

Thông tin tài khoản ngân hàng: Đoàn Luật Sư Tp Hà Nội

Số tài khoản: 6666.6959.6666 - Ngân hàng TMCP QUÂN ĐỘI (MB) - Chi nhánh Điện Biên Phủ.

Số tài khoản: 1230.688.988 - Ngân hàng TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM (BIDV) - Chi nhánh Quang Trung.

DANH SÁCH MÃ QR TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI