Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Luật sư khi hành nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Điều này đã được quy định rõ trong Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng như các Đoàn Luật sư đều đã thành lập bộ phận hoặc ban chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Toạ đàm nghiệp vụ và chào mừng Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam.
Sự phối hợp thường xuyên và hiệu quả giữa Đoàn Luật sư TP. Hà Nội với Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Ngày 20/5/2021, Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư Đoàn Luật sư TP. Hà Nội được thành lập. Ban Chủ nhiệm đã phân công một Phó Chủ nhiệm phụ trách kiêm Trưởng Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư để kịp thời xem xét giải quyết công việc mang tính cấp bách và đặc thù này. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thời gian qua đã bước đầu đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Công việc bảo vệ quyền lợi Luật sư là không thể chậm trễ. Có lần, ngay từ sáng sớm, tôi đã nhận được cuộc gọi từ Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trao đổi về một vụ việc mới nhận được, sẽ chuyển tới Đoàn Luật sư TP. Hà Nội ngay trong ngày nên cần thống nhất phương án phối hợp giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc phức tạp kéo dài hoặc xảy ra ngoài địa bàn TP. Hà Nội luôn nhận được sự phối hợp thường xuyên, kịp thời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên đã nhanh chóng được giải quyết một cách ổn thỏa, tốt đẹp.
Có thể kể đến trường hợp khiếu nại xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Công ty Luật TNHH Việt Phương. Ngay sau khi nhận được đơn đề nghị, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đều đã có văn bản gửi tới cơ quan chức năng. Sau đó, cơ quan thuế có thẩm quyền gửi văn bản phúc đáp, vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng việc xử phạt là đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Phan Trung Hoài và tôi đã nhiều lần trao đổi về nội dung cũng như các phương án giải quyết vụ việc. Khi Cục Thuế TP. Hà Nội thống nhất lịch đối thoại ngày 16/7/2021 với Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã kịp thời cử Luật sư Đặng Thị Bích Nga, Ủy viên Ủy ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư có mặt cùng các thành viên Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư để cùng phối hợp công tác. Kết quả, ngày 27/9/2021, Chi cục Thuế quận Đống Đa đã ban hành Quyết định số 36117/QĐ-CCT-KTR1-HBXPVPHC “Hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế” đối với Công ty Luật TNHH Việt Phương. Trước đó, vào tháng 07/2020, tổ chức hành nghề Luật sư này đã phải nộp phạt hơn 39 triệu đồng vào kho bạc Nhà nước.
Một vụ việc khác, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội sau khi thụ lý và xem xét, ngày 24/5/2021 đã có Công văn gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đồng Nai về trường hợp Luật sư không được gặp bị can trong trại tạm giam dù đã có đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định. Thế nhưng, cả cơ quan Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đều chưa có ý kiến trả lời trong thời hạn luật định. Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục chỉ đạo Luật sư Đặng Thị Bích Nga, Ủy viên Ủy ban bảo vệ Luật sư liên hệ ngay với Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai để cùng phối hợp giải quyết. Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã trao đổi với Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai. Sau đó, các bên đã đưa ra được phương án xử lý vụ việc một cách nhanh chóng.
Ngày 11/6/2021, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã kịp thời ban hành “Quy chế hoạt động của Ban bảo vệ quyền lợi Luật sư” nhằm tạo điều kiện và đảm bảo mọi hoạt động tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Chính vì thế, khi nhận được yêu cầu bảo vệ quyền lợi của Luật sư, Văn phòng Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chuyển ngay vụ việc cho Ban bảo vệ quyền lợi Luật sư thụ lý và phân công các Luật sư xem xét giải quyết.
Thời gian qua, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, TP. Hà Nội và nhiều địa phương khác phải giãn cách xã hội, nhưng tất cả các vụ việc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thụ lý đều đã được xem xét và giải quyết thỏa đáng. Có thời điểm vì nguy cơ dịch bệnh không thể cùng nhau có mặt tại Văn phòng, Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư đã linh hoạt gửi “Thư trao đổi” cho Luật sư có nhu cầu bảo vệ quyền lợi để xác định rõ thực trạng và thu thập các chứng cứ, các tình tiết quan trọng liên quan đến vụ việc.
Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã được nhiều Luật sư có nhu cầu bảo vệ quyền lợi tin cậy, đồng thuận và gửi thư cảm ơn trân trọng. Đồng thời, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng nhận được khá nhiều ý kiến, văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan hành chính trong việc tiếp thu, nhất trí với quan điểm của Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư.
Đôi điều trăn trở về công tác bảo vệ quyền lợi Luật sư
Hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Luật sư khi hành nghề luôn đòi hỏi tính cấp bách, khẩn trương. Chính vì thế, cả Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư luôn có đội ngũ cán bộ chuyên trách thường trực hoạt động theo quy định của pháp luật một cách thường xuyên và ổn định. Mặt khác, tính chất đặc thù của tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sư là tuân thủ nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nên trong mọi hoạt động đều phải có sự phối kết hợp chặt chẽ, phải họp bàn tập thể, phải lấy ý kiến và quyết định theo đa số. Đây cũng là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phải nhanh chóng xem xét và giải quyết kịp thời những tình huống cấp bách.
Hiện tại, Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có hơn 10 thành viên. Trong thời gian tới, rất cần tăng thêm một số thành viên nữa, nhất là những Luật sư trẻ, Luật sư có nhiều kinh nghiêm hoạt động tố tụng vì hiện nay Đoàn đã có 4.808 Luật sư chính thức và 3.755 người tập sự hành nghề.
Trong thực tế hoạt động nghề nghiệp, lĩnh vực và vấn đề mà các Luật sư thường yêu cầu bảo vệ cũng rất phong phú, đa dạng, có thể là vướng mắc với cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan hành chính Nhà nước hoặc với các cơ quan tổ chức khác. Chỉ riêng hoạt động tố tụng cũng đã có nhiều lĩnh vực và nhiều cơ quan có thẩm quyền như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… với vô vàn những vấn đề pháp lý đa dạng, phức tạp và rất khác biệt nhau.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của các vụ việc mà Luật sư có yêu cầu bảo vệ, phần lớn là do lỗi hỗn hợp từ cả hai phía, người tiến hành tố tụng hoặc cán bộ trong cơ quan hành chính Nhà nước với Luật sư tham gia tố tụng hoặc Luật sư tham gia các hoạt động khác trong quá trình hành nghề.
Đối với người tiến hành tố tụng hoặc người có thẩm quyền khác của cơ quan Nhà nước, nếu do không nắm vững các quy định pháp luật hoặc biết nhưng cố tình không thực hiện vì những động cơ, mục đích khác nhau hoặc thiếu tôn trọng hoạt động hành nghề của Luật sư thì cũng dễ phát sinh những vướng mắc, bất hợp tác và tranh chấp khiếu kiện. Đây là nguyên nhân cơ bản, chủ yếu và thường gặp nhất trong thời gian qua.
Đôi khi, cũng có trường hợp do Luật sư không nắm vững hoặc không tuân thủ các quy định của pháp luật, đã có những phản ứng thái quá, xúc phạm và thiếu tôn trọng người tiến hành tố tụng, không nắm vững “Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam” ban hành theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc, nên đã xảy ra những vướng mắc, tranh chấp không đáng có với cơ quan tiến hành tố tụng hoặc các cơ quan tổ chức khác. Thậm chí, có Luật sư còn vi phạm nghiêm trọng Bộ Quy tắc, nhất là khoản 1 Quy tắc 26 chương IV Quan hệ với cơ quan, người tiến hành tố tụng: “26.1. Luật sư phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, lịch sự, tôn trọng những người tiến hành tố tụng mà Luật sư tiếp xúc khi hành nghề; chủ động, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Luật sư khi tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật”.
Để góp phần khắc phục tình trạng trên, mỗi Luật sư khi hành nghề phải nghiên cứu kỹ và tuân thủ các quy định của pháp luật, có thái độ hợp tác, lịch sự, tôn trọng người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng, chủ động, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Luật sư theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người tiến hành tố tụng hoặc người có thẩm quyền của cơ quan Nhà nước, cơ quan tổ chức khác có hành vi cản trở hoặc xâm hại quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư thì phải bình tĩnh, khôn khéo, xử lý phù hợp, cố gắng thu thập và lưu giữ những tài liệu, chứng cứ quan trọng để kiến nghị, khiếu nại cấp có thẩm quyền giải quyết.
Chỉ khi Luật sư đã thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ nhưng cơ quan chức năng vẫn cản trở hoặc xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư thì Luật sư mới thông báo cho Đoàn Luật sư để bảo vệ theo quy định của pháp luật. Cá biệt, có trường hợp, vừa gặp khó khăn trở ngại ban đầu Luật sư đã có văn bản đề nghị Đoàn Luật sư. Thậm chí, đề nghị Đoàn Luật sư tư vấn và thực hiện giúp Luật sư những vướng mắc trong hoạt động hành nghề, trong khi các thành viên Ban bảo vệ quyền lợi Luật sư không có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng của tổ chức hành nghề Luật sư.
Hy vọng mỗi Luật sư trong hoạt động hành nghề luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật và “Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam”, luôn hợp tác tốt với khách hàng, đồng nghiệp, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng như với các cơ quan Nhà nước khác, cơ quan truyền thông báo chí để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, xứng đáng với sự kỳ vọng và sứ mệnh của Luật sư trong đời sống xã hội.
Thạc sĩ, Luật sư ĐÀO NGỌC LÝ
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Trưởng Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội