UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
SỞ TƯ PHÁP- ĐOÀN LUẬT SƯ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc —————————-
Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2009 |
QUY CHẾ
Phối hợp công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý luật sư
và hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thực hiện Chỉ thị số 03/2009/CT- UBND ngày 13/01/2009 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường công tác quản lý nhà nước về luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố Hà Nội, để sự kết hợp công tác quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của Đoàn luật sư trong tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư, đồng thời tạo ra sự thống nhất đồng bộ trong việc thực hiện Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Luật sư, Giám đốc Sở Tư pháp và Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư ban hành Quy chế phối hợp công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý luật sư và hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Mục đích, nguyên tắc phối hợp:
Quy chế này quy định cơ chế phối hợp giữa Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội (sau đây gọi là Đoàn luật sư) với Sở Tư pháp thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Sở Tư pháp) nhằm mục đích thực hiện nguyên tắc kết hợp công tác quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của Đoàn luật sư;
Việc phối hợp phải bảo bảo tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về luật sư nói riêng đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ luật sư và hoạt động hành nghề của luật sư trên địa bàn thành phố nhằm tạo ra sự thống nhất trong việc quản lý giữa Sở Tư pháp và Đoàn luật sư trên cơ sở, chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG II
CÁC HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ
Điều 2: Gia nhập Đoàn Luật sư:
Đoàn Luật sư thông báo số lượng, danh sách luật sư của Đoàn khi có sự thay đổi (gia nhập, chuyển sinh hoạt, xóa tên, rút tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn) đến Sở Tư pháp.
Điều 3: Cấp Giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư, Giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân.
1. Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư, Chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư và Giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân theo quy định của luật Luật sư.
2. Các luật sư khi đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp đều phải có lý lịch luật sư; Lý lịch luật sư phải được Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư xác nhận.
3. Khi cấp Giấy đăng ký hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, Sở Tư pháp gửi thông báo bằng văn bản đến Đoàn luật sư.
Điều 4: Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư
1. Thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật Luật sư.
2. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Sở Tư pháp gửi thông báo bằng văn bản đến Đoàn luật sư.
3. Trong quá trình Đoàn luật sư giám sát, phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác giám sát hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Chi nhánh, Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phát hiện thấy tổ chức hành nghề luật sư, Chi nhánh, Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân có sự thay đổi tên, địa chỉ trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, lĩnh vực hành nghề, danh sách luật sư thành viên, người đại diện theo pháp luật của tổ chức hành nghề luật sư và các nội dung khác trong hồ sơ đăng ký hoạt động mà chưa thực hiện thủ tục thay đổi tại Sở Tư pháp thì Đoàn luật sư thông báo đến Sở Tư pháp và yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thay đổi nội dung đăng ký hoạt động.
Điều 5: Tạm ngừng hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư
Sở Tư pháp có quyền yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư tạm ngừng hoạt động khi phát hiện tổ chức hành nghề luật sư đó không còn đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật. Quyết định tạm ngừng hoạt động được gửi đến Đoàn luật sư để biếtvà theo dõi.
Điều 6: Chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư
Trong trường hợp chấm dứt hoạt động: Bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động; Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc tất cả các thành viên của công ty luật hợp danh, thành viên của công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư; Công ty luật bị bị hợp nhất, bị sáp nhập; Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên chết thì trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Giấy đăng ký hoạt động thì Sở Tư pháp gửi thông báo bằng văn bản đến Đoàn luật sư.
Điều 7: Chế độ báo cáo:
1. Sở Tư pháp và Đoàn luật sư thống nhất xây dựng nội dung báo cáo định kỳ về công tác tổ chức và hoạt động cho các tổ chức hành nghề luật sư, nội dung báo cáo được xây dựng dựa trên mẫu báo cáo TP-LS-11 được ban hành kèm theo Thông tư số 02/2007/TT-BTP ngày 25/4/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư.
Định kỳ 6 tháng và hàng năm tổ chức hành nghề luật sư báo cáo Đoàn luật sư, đồng gửiSở Tư pháp. Báo cáo 6 tháng tính từ ngày 01/01 đến ngày 30/6 được gửi trước ngày 10/7; báo cáo năm tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 được gửi trước ngày 10/01 của năm sau.
Ngoài báo cáo định kỳ khi cần thiết, các tổ chức hành nghề luật sư báo cáo về tình hình hoạt độngtổ chức và hoạt động theo yêu cầu của Sở Tư pháp.
2. Theo quy định hàng năm Đoàn luật sư báo cáo UBND thành phố, Sở Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam về tình hình tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư. Báo cáo được tính từ ngày 01 tháng 10 của năm trước đến ngày 30 tháng 9 của năm sau và gửi trước ngày 10 tháng 11 hàng năm; Khi có đề nghị của Đoàn luật sư về cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến báo cáo thì Sở Tư pháp có trách nhiệm cung cấp các thông tin, số liệu cho Đoàn Luật sư.
3. Sở Tư pháp báo cáo Bộ Tư pháp, UBND thành phố về tình hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố; khi có đề nghị về cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến báo cáo thì Đoàn luật sư có trách nhiệm cung cấp các thông tin, số liệu cho Sở Tư pháp.
Điều 8: Kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề luật sư:
Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra về tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghềluật sư trên địa bàn thành phố; Khi có đề nghị của Sở Tư pháp về kiểm tra hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sưthì Đoàn luật sư phối hợp với Sở Tư pháp để thực hiện việc kiểm tra.
Đoàn luật sư thực hiện việc giám sát hoạt động của các luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư nếu phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố thì Đoàn luật sư yêu cầu luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời cung cấp thông tin và đề nghị Sở Tư pháp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Điều 9: Việc xét khen thưởng và xử lý kỷ luật.
Sở Tư pháp trước khi quyết định khen thưởng luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư cần tham khảo, trao đổi với Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư.
Đoàn luật sư trước khi đề nghị UBND thành phố khen thưởng luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư thì gửi văn bản đến Sở Tư pháp để có ý kiến.
Trong trường hợp luật sư bị xử lý kỷ luật, Đoàn luật sư gửi bản sao quyết định đến Sở Tư pháp để biết.
Điều 10: Giải quyết khiếu nại, tố cáo
Sở Tư pháp, Đoàn luật sư có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về luật sư. Sau đó, Sở Tư Pháp gửi thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo tới Đoàn luật sư và ngược lại Đoàn luật sư gửi thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo tới Sở Tư Pháp để hai bên cùng biết.
Khi tiếp nhận các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến luật sư và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, Sở Tư pháp và Đoàn luật sư sẽ xem xét, chuyển đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Điều 11: Công tác đào tạo, bồi dưỡng luật sư
Hàng năm Đoàn luật sư chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư thành viên đồng thời thông báo, trao đổi với Sở Tư pháp kế hoạch, nội dung bồi dưỡng để Sở Tư pháp tham mưu, đề xuất với UBND thành phố Hà Nội các biện pháp hỗ trợ tài chính để thúc đẩy phát triển nghề luật sư trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 12: Chế độ thông tin.
Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư và Sở Tư pháp thống nhất ba tháng một lần, Chánh Văn phòng Đoàn luật sư làm việc với Trưởng Phòng quản lý hành nghề luật sư – Sở Tư pháp và sáu tháng một lần, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư làm việc với lãnh đạo Sở Tư pháp.
Điều 13: Tổ chức thực hiện.
Đoàn luật sư, Sở Tư pháp chủ động triển khai thực hiện Quy chế này tại đơn vị mình. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, lãnh đạo hai bên cùng xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
TM. BAN CHỦ NHIỆM ĐOÀN LUẬT SƯ
CHỦ NHIỆM
(Đã ký)
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ |
SỞ TƯ PHÁP THÀNH PHỐ HÀ NỘI
GIÁM ĐỐC
(Đã ký)
Phan Hồng Sơn |