Đối với Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, nội dung kiểm tra tập trung vào các nội dung ghi trong Giấy đăng ký hành nghề Luật sư của Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư, quy định của pháp luật có liên quan.
Ảnh minh họa
Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BTP ngày 24/6/2021 hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư cũng như Nghị định quy định chi tiết Luật này. Trong đó, Thông tư quy định rõ một số vấn đề về kiểm tra tổ chức, hoạt động Luật sư.
Theo đó, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra về tổ chức và hoạt động Luật sư theo thẩm quyền.
Cục Bổ trợ tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện kiểm tra theo kế hoạch hằng năm về tổ chức và hoạt động Luật sư trong phạm vi toàn quốc và thực hiện kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra về tổ chức và hoạt động Luật sư tại địa phương. Hằng năm, căn cứ tình hình thực tế, Sở Tư pháp lập kế hoạch kiểm tra tổ chức và hoạt động Luật sư tại địa phương, trong đó xác định rõ đối tượng kiểm tra, thời gian và nội dung kiểm tra; nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Đoàn kiểm tra và thành viên Đoàn kiểm tra; quyền, nghĩa vụ của đối tượng kiểm tra; trình tự, thủ tục kiểm tra.
Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong tổ chức, hoạt động Luật sư.
Kế hoạch kiểm tra tổ chức và hoạt động Luật sư được thông báo bằng văn bản cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 07 ngày làm việc trước ngày tiến hành kiểm tra.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Sở Tư pháp gửi báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra hoặc kết luận kiểm tra.
Nguyên tắc kiểm tra tổ chức, hoạt động Luật sư
Theo Điều 18 Thông tư số 05/2021/TT-BTP, nguyên tắc kiểm tra tổ chức, hoạt động Luật sư gồm:
– Công khai, khách quan, minh bạch và đúng kế hoạch đã được phê duyệt, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất.
– Bảo đảm tính bảo mật trong hành nghề Luật sư theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan.
– Tuân thủ quy định của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư, các quy định của pháp luật có liên quan.
Về nội dung kiểm tra, đối với tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Luật sư, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây: tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề Luật sư; đề nghị thu hồi Chứng chỉ hành nghề Luật sư; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư; việc đăng ký, giám sát tập sự hành nghề Luật sư; đăng ký gia nhập Đoàn Luật sư; cấp, đổi, thu hồi Thẻ Luật sư; thực hiện bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; thực hiện các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thống kê; báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất; lập các mẫu sổ sách và lưu trữ giấy tờ tài liệu theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện các quy định của pháp luật về hợp tác quốc tế; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Luật sư theo quy định của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư, quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Đối với tổ chức hành nghề Luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tại Việt Nam, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:
– Thực hiện các quy định về đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư Việt Nam; đề nghị cấp, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy phép thành lập và Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tại Việt Nam; đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của Luật sư nước ngoài;
– Thực hiện các quy định của pháp luật về lao động trong trường hợp có thuê lao động;
– Thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, tài chính, kế toán, thống kê;
– Ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật;
– Tiếp nhận, theo dõi, hướng dẫn người tập sự hành nghề Luật sư;
– Báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất; lập các mẫu sổ sách và lưu trữ các giấy tờ tài liệu theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan;
– Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Luật sư của tổ chức hành nghề Luật sư theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;
– Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ và tham gia trợ giúp pháp lý của Luật sư hành nghề tại tổ chức;
i) Thực hiện các quy định khác của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư.
Đối với Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, nội dung kiểm tra tập trung vào các nội dung ghi trong Giấy đăng ký hành nghề Luật sư của Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư, quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc kiểm tra tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây: Thực hiện việc cấp, thay đổi, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tại Việt Nam; Báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất, lập các mẫu sổ sách và lưu trữ các giấy tờ tài liệu theo quy định của Luật Luật sư và các quy định của pháp luật có liên quan; Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư; Thực hiện các quy định về kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề Luật sư; Thực hiện các quy định khác của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư.
Đoàn kiểm tra gồm có Trưởng đoàn và các thành viên. Trưởng Đoàn kiểm tra là đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư. Các thành viên Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc kiểm tra về tổ chức và hoạt động Luật sư.
Đối tượng kiểm tra có các quyền yêu cầu thành viên Đoàn kiểm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật; nhận biên bản kiểm tra và yêu cầu giải thích nội dung biên bản kiểm tra; bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra; từ chối việc kiểm tra khi không có quyết định kiểm tra; từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra và các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Trình tự, thủ tục kiểm tra gồm:
– Công bố quyết định kiểm tra khi bắt đầu tiến hành kiểm tra về tổ chức, hoạt động Luật sư.
– Đối chiếu, kiểm tra, đánh giá nội dung báo cáo và các sổ sách, giấy tờ, tài liệu được xuất trình theo quy định của pháp luật.
– Lập biên bản kiểm tra về tổ chức, hoạt động Luật sư sau khi kết thúc kiểm tra.
– Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2021.
Theo lsvn.vn