Nhiều luật sư đã sẵn sàng tự túc kinh phí để sang Malaysia hỗ trợ Đoàn Thị Hương…
Nghi phạm Đoàn Thị Hương (thứ hai từ phải qua) – Ảnh: AP
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến cho biết, liên đoàn đã có kế hoạch, nhiều luật sư cũng đã sẵn sàng tự túc kinh phí để sang Malaysia hỗ trợ Đoàn Thị Hương, nghi phạm bị cáo buộc sát hại một công dân Triều Tiên tại Malaysia.
Vài ngày qua, có thông tin cho rằng Liên đoàn đã chính thức cử 4 luật sư sang Malaysia, đến nay việc này đã được thực hiện thế nào, thưa ông?
Tính đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức việc cử những luật sư nào tham gia hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương tại Malaysia, vì Chủ tịch Liên đoàn Luật sư hiện đang đi vắng và quan trọng nữa là cần có ý kiến chính thức bằng văn bản của Bộ Tư pháp. Chủ trương thì đã rõ rồi, rất nhiều luật sư xung phong và tự bỏ kinh phí để sang đó nhưng cần phải tính toán cụ thể để đi có đoàn, có tổ chức để đảm bảo tính pháp lý và nhiều yếu tố khác.
Đây có phải là lần đầu tiên chúng ta cử luật sư sang hỗ trợ pháp lý cho công dân Việt Nam ở nước ngoài? Khi sang tới Malaysia, các luật sư Việt Nam sẽ tiến hành những công việc gì?
Việc luật sư sang hỗ trợ pháp lý khác với việc luật sư sang tham gia tranh tụng tại tòa án của nước ngoài. Hỗ trợ pháp lý tức là sang phối hợp cùng với luật sư được nước ngoài công nhận là luật sư bào chữa cho bị can là công dân Việt Nam. Luật sư của ta sang là để phối hợp với luật sư bào chữa, để cung cấp những thông tin, tư liệu để luật sư đó tác nghiệp.
Quá trình này, chúng ta sẽ giúp họ tham chiếu luật pháp của Việt Nam nếu tòa án có yêu cầu, rồi căn cứ vào Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề hình sự giữa Việt Nam với các nước ASEAN để xem về nguyên tắc có đi có lại, rồi căn cứ vào các quy định pháp luật của cả 2 nước xem có gì có lợi cho Đoàn Thị Hương thì đề nghị tòa vận dụng. Chứ không phải luật sư Việt Nam sang đó để tranh tụng độc lập.
Mục đích khi cử đoàn luật sư Việt Nam sang hỗ trợ pháp lý, một là cùng trao đổi về kinh nghiệm, nghiệp vụ tranh tụng đối với các loại án hình sự này. Vấn đề thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ nói chung, các nước đều có nguyên tắc riêng nên cần trao đổi với luật sư của nước sở tại, tìm cách bào chữa tốt nhất cho Đoàn Thị Hương. Thứ hai là cung cấp những vấn đề pháp lý, cung cấp những yếu tố về nhân thân, về điều kiện, hoàn cảnh gia đình của Hương… xem con người này ở điều kiện nào dẫn đến phạm tội…
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN
Vừa qua, luật sư người Malaysia của Đoàn Thị Hương đã tìm về Nam Định để tìm hiểu thông tin qua người thân. Liên đoàn Luật sư có thông tin gì về chuyến đi này không?
Hôm vừa rồi luật sư của Malaysia có về quê Đoàn Thị Hương để tìm hiểu, họ rất nhiệt tình, mẫn cán và trách nhiệm. Nhưng tiếc rằng chưa có sự đồng thuận, chưa có chấp thuận chính thức bằng văn bản đề nghị có luật sư Việt Nam phối hợp hỗ trợ nên luật sư Malaysia chưa thể có liên hệ với luật sư Việt Nam. Thứ hai, để bảo đảm bí mật và an toàn, khi xong việc họ về nước thì họ mới thông tin cho báo chí và những người có liên quan.
Phía Liên đoàn Luật sư chưa chính thức về nhà Đoàn Thị Hương. Trước hết, phải thống nhất với Bộ Tư pháp, có được sự đồng thuận thì khi ấy mới có các hoạt động về nghiệp vụ để triển khai.
Vậy tới đây nếu Bộ Tư pháp có văn bản chính thức chấp thuận thì những bước đi tiếp theo của Liên đoàn Luật sư sẽ như thế nào, phối hợp với những cơ quan, đơn vị nào?
Việc này sẽ phải bàn để những cơ quan đơn vị nào có thẩm quyền, trách nhiệm tham gia. Nhưng trước hết phải liên hệ với Đoàn luật sư của Malaysia, tổ chức có luật sư tham gia bào chữa cho Đoàn Thị Hương để thông báo cho họ biết, cũng như luật sư trực tiếp bào chữa cho Đoàn Thị Hương biết. Thứ hai là có thể tổ chức thông báo với Hội Luật sư củaMalaysiađể có sự phối hợp. Về mặt Nhà nước thì phải thông báo cho Bộ Ngoại giao để có liên hệ với cơ quan hữu quan, thông báo có luật sư Việt Nam tham gia hỗ trợ.
Còn việc tranh tụng là do luật sư của Malaysia lo. Tranh tụng bên đó có từng bước và có rất nhiều phiên khác nhau để xác định, đánh giá chứng cứ, chứ không giống như tố tụng của ta là tố tụng thẩm vấn, 3 cơ quan độc lập điều tra xong mới chuyển sang công tố, rồi cuối cùng mới đến toà án. Nhưng ở Malaysia thì ngay bước đầu công tố đã luận tội và toà án đã phải phán xét rồi.
Nên những phiên xử để xác định chứng cứ như vậy thì luật sư phải có quan điểm để trình bày. Trên cơ ở đó, luật sư của ta sang sẽ trao đổi trước hoặc sau, tuỳ thuộc kế hoạch sắp xếp của luật sư bên kia. Cũng như tùy thuộc vào quyết định của toà án bên đó xem mình có được ngồi tham dự hay không dự, tức là như một công dân nghe toà phán quyết. Còn nếu luật sư bên kia nói cần sự tham chiếu luật pháp Việt Nam, toà đồng ý thì sẽ hỏi luật sư Việt Nam giống như một người cung cấp thông tin, thông tin đó hữu ích và phù hợp với nước sở tại thì họ sẽ chấp nhận thông tin đó để xử có lợi cho Hương, nên điều đó là rất cần thiết và có ý nghĩa.
Nếu Bộ Tư pháp không đồng ý thì có tiến hành hỗ trợ pháp lý được không?
Nếu Bộ Tư pháp không đồng ý thì không được đi, còn về cá nhân luật sư, họ tự nguyện liên hệ thì đó là quyền của họ, luật pháp không cấm. Đó là sứ mệnh nghề nghiệp của họ. Nhưng nếu được Nhà nước đồng ý thì ý nghĩa hơn vì nó thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân của mình.
Lâu nay, việc hỗ trợ pháp lý cho công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định như thế nào?
Nó chỉ nằm trong các Hiệp định tương trợ tư pháp, chứ thực tế chúng ta chưa cử trường hợp nào đi thế này.
Cảm ơn ông!
Trả lời Báo Giao thông chiều 7/3, một lãnh đạo Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết chưa nắm được thông tin về việc Liên đoàn Luật sư Việt Nam có văn bản đề nghị hỗ trợ tư pháp cho Đoàn Thị Hương. Về câu hỏi đã có văn bản nào quy định về việc hỗ trợ pháp lý cho công dân Việt Nam ở nước ngoài hay chưa, vị này cho biết “chỉ có quy định chung về nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư, chứ chưa có quy định nào về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư ở nước ngoài”.
Đoàn Thị Hương cùng một bị cáo và 4 người khác (vẫn đang lẩn trốn) bị cáo buộc lúc 9h ngày 13/2 thực hiện âm mưu sát hại công dân Triều Tiên có tên trên hộ chiếu là Kim Chol ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Giới chức Malaysia cho rằng, nạn nhân trong vụ án là Kim Jong-nam, anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên quan điểm này bị phía Triều Tiên bác bỏ. Ngày 1/3, Đoàn Thị Hương bị tòa địa phương Sepang tại Malaysia công bố cáo trạng buộc tội giết công dân Triều Tiên có tên trên hộ chiếu là Kim Chol và đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội. Vụ việc được chuyển lên tòa thượng thẩm Shah Alam, dự kiến diễn ra ngày 13/4. Malaysia và Việt Nam chưa ký hiệp ước tương trợ tư pháp và các luật sư Việt Nam không thể tham gia bào chữa cho Hương. |
Nguồn: Hoài Thu – baogiaothong.vn