Đúng vào “phút 89” – chính xác là trước khi kỳ Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 2 năm 2015 diễn ra đúng một ngày – tôi bỗng trở thành “giám thị” theo quyết định phân công của lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tất nhiên, đây không phải lần đầu tiên làm công tác coi thi, nhưng ở lần này đã diễn ra một chuyện bất ngờ với tôi khi gặp một thí sinh khiếm thị với ước mơ cháy bỏng đang trải qua “cửa ải” cuối cùng để trở thành luật sư.
Kỳ kiểm tra diễn ra vào dịp cuối năm, trong khi công việc bộn bề và có thể do bị “túm” vào thời điểm sát nút nên mặc dù là “giám thị” nhưng tôi lại đeo thẻ “giám sát viên”. Có lẽ vậy mà suốt mấy ngày diễn ra kỳ kiểm tra, thời gian chính của tôi là lượn lờ ở các phòng thi và uống nước chè vặt. Sáng đó, trước giờ diễn ra bài thi viết, khi ngang qua phòng dành cho giảng viên (kỳ kiểm tra này Liên đoàn thuê địa điểm tại Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ở đó, bên cạnh các phòng học đều có một phòng nhỏ dành riêng để giảng viên uống nước, sinh hoạt giữa các giờ học), tôi nhìn thấy có một người đàn ông đã trung tuổi, cứ đứng khua hai tay về phía trước lần mò rồi va đầu vào cửa kính. Dẫu lạ, nhưng nghĩ có lẽ đó là nhân viên bảo vệ của Học viện đang có chút hơi men nên tôi lặng lẽ bỏ đi với ý định sẽ phản ánh lại với Hội đồng kiểm tra. Chưa kịp nêu thắc mắc với người có trách nhiệm thì tôi nhận được câu hỏi của một đồng nghiệp: “Anh có biết thí sinh khiếm thị đang dự thi ở phòng nào không?”. Liên hệ với sự việc mới gặp trước đó, tôi ngẩn người vì bất ngờ và quyết định chờ cơ hội để tác nghiệp.
Người sẽ trở thành luật sư “mù” đầu tiên của Việt Nam, thí sinh đặc biệt hôm đó có tên là Nguyễn Văn Thịnh. Anh sinh ngày 16/2/1958 tại chợ Con (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) và đang thường trú tại Nghi Tàm (quận Tây Hồ, Hà Nội). Khi có dịp trải lòng, Thịnh kể: Từ bé anh đã yêu thích nghề luật, nhưng ở hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh, gia đình lại thuộc diện khó khăn nên con đường học vấn của anh đành dang dở. Học xong phổ thông cơ sở, chàng trai Nguyễn Văn Thịnh sáng mắt khi đó đã phải lăn lộn với đủ các công việc khác nhau để kiếm kế sinh nhai. Cuộc sống đẩy đưa, anh theo chân chúng bạn bươn trải khắp nơi, thậm chí có thời gian đi nhận thầu các công trình xây dựng ở Hà Nội, nhưng vẫn chưa bao giờ từ bỏ mong muốn được nối lại nghiệp bút nghiên. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi ở vào thời kỳ sung sức với bao dự định lớn của cuộc đời đang mở ra thì đôi mắt của Thịnh bỗng mờ dần. Sự nghiệt ngã của số phận dường như đã chặn đứng ước mơ của chàng trai trẻ. Không chấp nhận với nỗi bất hạnh bỗng dưng từ trên trời ập đến, với ý chí, bản lĩnh của người con đất Cảng, Nguyễn Văn Thịnh quyết tâm vượt lên chính mình để thực hiện niềm đam mê cháy bỏng đã nảy mầm từ những ngày tóc còn để chỏm vui chơi cùng chúng bạn bè bên hồ Tam Bạc. Trải qua bao nỗi nhọc nhằn của cuộc sống, anh đã đứng vững và là chỗ dựa vững chắc cho những người thân yêu của mình. Nỗ lực không ngừng cùng trí thông minh thiên phú, Nguyễn Văn Thịnh không những tự lo toan cho cuộc sống của mình, cùng người vợ hiền nuôi dạy 2 con nhỏ, anh còn mày mò làm quen với môi trường học tập của người khiếm thị, kết hợp các hình thức, phương tiện khác nhau để nâng cao kiến thức, trình độ. Sau khi học xong chương trình trung học phổ thông, từ năm 2007 đến 2012 anh trở thành sinh viên Khoa Luật của Viện đại học Mở Hà Nội, rồi học nghiệp vụ luật sư tại Học viện Tư pháp vào năm 2013. Đối với người bình thường, việc đi lại, thi cử, học tập đã khó, với người khiếm thị hẳn là một thách thức lớn. Nhưng anh đã khắc phục mọi trở ngại, xuất sắc vượt qua tất cả các yêu cầu của chương trình đào tạo. Trong thời gian này anh còn tham gia sinh hoạt, công tác xã hội ở Hội người mù quận Tây Hồ (Hà Nội), giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Để theo kịp chương trình học tập và nâng cao hiểu biết, anh đã học máy tính, sử dụng thành thạo nhiều thiết bị kỹ thuật, tra cứu internet. Anh bảo: “Nhờ công nghệ, nhờ học ngành luật mà tôi đã quán xuyến được mọi việc, giúp đỡ cho không ít người đấy thầy ạ”. Không chỉ tự sắp xếp công việc của mình, dạy bảo con cái nên người, anh còn khoe, trong khi không ít người bình thường nhiều năm loay hoay với các thủ tục giấy tờ chưa xong thì chính anh đã tự lo liệu làm sổ đỏ cho mảnh đất 300m2 và còn trực tiếp chỉ đạo cho thợ xây ngôi nhà khang trang của gia đình ở số 17/50, ngõ 310 Nghi Tàm (Hà Nội). Và niềm tự hào lớn nhất đối với anh chính là đã trở thành tấm gương của hai người con thành đạt: một nữ thạc sĩ đang công tác trong lĩnh vực ngân hàng và một nam cử nhân đang làm việc ở FPT. Khi được hỏi, vì sao lại quyết chí làm luật sư, Nguyễn Văn Thịnh chân thành bộc bạch: “Từ bé tôi đã thích luật. Hơn nữa, bây giờ cái gì cũng liên quan đến pháp luật. Hiểu biết luật không những là yêu cầu mà qua đó còn có thể giúp đỡ được người khác”.
Thí sinh đặc biệt Nguyễn Văn Thịnh đang làm bài kiểm tra với sự trợ giúp của giám thị
Còn ở kỳ Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 2 năm 2015, để tạo điều kiện cho thí sinh đặc biệt này và đảm bảo đúng quy định, Hội đồng kiểm tra đã phải bố trí một phòng thi riêng, cùng với đó là một giám thị đọc, viết bài giúp anh và một người trực tiếp… giám thị. Trao đổi về quá trình “trợ giúp thí sinh đặc biệt” hôm đó, cả hai giám thị đều khẳng định, thí sinh của họ rất thông minh và có trí nhớ rất tốt. Nếu tại các buổi thi viết, người ta thường thấy Nguyễn Văn Thịnh hướng mặt lên trần nhà để đọc cho người bên cạnh viết bài thi giúp, nhưng vẫn luôn hoàn thành bài trước thời gian quy định. thì tại buổi thi tình huống anh lại rất tự tin và được giám thị đánh giá cao. Kết thúc kỳ thi, gặp tôi, anh vui vẻ cho biết, đề kiểm tra không khó, buổi đầu tiên do tâm lý một chút, nhưng anh làm khá tốt và rất tin tưởng vào các bài thi của mình. Tôi hỏi: “Nếu vượt qua kỳ kiểm tra, anh có gia nhập Đoàn luật sư và hành nghề không?”, Nguyễn Văn Thịnh thẳng thắn khẳng định: “Nếu đạt, tôi chắc chắn sẽ tham gia luật sư, thậm chí sẽ mở văn phòng riêng để giúp đỡ mọi người, mà trước hết là những người khuyết tật. Tôi sẵn sàng ra tòa tranh tụng”. Điều này có thể khiến ai đó nghi ngại, nhưng nếu đã được tiếp xúc với anh sẽ thấy niềm khát khao này là rất thật.
Hà Nội vào những ngày cuối năm, trời vẫn đổ mưa lạnh, nhưng trong lòng tôi lại đang ấm dần với suy nghĩ sẽ sớm có một đồng nghiệp như thế. Niềm tin đó đã trở thành hiện thực khi tôi tiếp nhận kết quả kiểm tra của Hội đồng Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư phía Bắc đợt 2 năm 2015. Điểm thi của thí sinh Nguyễn Văn Thịnh có thể không quá cao so với những người bình thường khác, nhưng chừng ấy cũng đủ để chứng minh cho sự nỗ lực, bản lĩnh và mơ ước của một người khao khát theo đuổi nghề luật sư. Trên thế giới trước đây cũng đã có những luật sư khuyết tật, thậm chí nữ luật sư mù người Uganda – Florence Ndagire còn rất nổi tiếng cùng với các dự án mang tính nhân văn được nhiều người ngưỡng mộ – nhưng đó là ở nước ngoài với các nền tư pháp khác, còn đây là Việt Nam – chúng ta sẽ có “luật sư mù” đầu tiên hành nghề. Điều này không chỉ cho thấy nhu cầu, mong muốn tìm hiểu về pháp luật ngày càng lớn, tư duy “sống và làm việc theo pháp luật” là bức thiết, mà tính nhân văn, giá trị nhân bản của con người trong thời kỳ hội nhập đang được tôn trọng, nâng cao.
Riêng về “luật sư mù” Nguyễn Văn Thịnh, Xuân này anh không những toại nguyện vì mơ ước bấy lâu đã trở thành hiện thực, mà còn là cơ hội để anh khai triển những hoài bão cuộc đời khi chính thức trở thành một trong những “chiến sĩ bảo vệ công lý” của Việt Nam.
Nguồn: Luật sư Liêu Chí Trung
liendoanluatsu.org.vn