Bộ luật hình sự (BLHS) là đạo luật đồ sộ và có tầm ảnh hưởng chỉ sau Hiến pháp. Thế nhưng việc sửa đổi BLHS 2015 lại được cho là gấp gáp. Có đại biểu đề nghị Quốc hội làm việc thêm ngày thứ Bảy để có thêm thời gian nghiên cứu tài liệu.
Cần thêm thời gian
Tại phiên thảo luận ngày 24/05 về dự án BLHS 2015 sửa đổi, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự tiếc nuối khi Quốc hội bố trí thời gian và cách bố trí thời gian không thích hợp, nhất là với một bộ luật quan trọng như BLHS.
“Một khối lượng tài liệu đồ sộ mới được gửi cho đại biểu cuối ngày thứ Hai thì sáng nay, ngày thứ Tư đã phải đăng đàn góp ý. Lẽ ra phải dành ít nhất 1 ngày thảo luận ở tổ để làm quen với dự thảo sửa đổi và sau đó có ít nhất vài ngày nghiên cứu thêm rồi mới tổ chức thảo luận ở hội trường. Đó là cách làm thông thường của nhiều đạo luật khác, vì sao lại không áp dụng với bộ luật này?” ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi.
Với một lịch trình làm việc kín đặc như hiện nay, mỗi đại biểu lại bị giới hạn chỉ có 7 phút để phát biểu, sẽ rất khó để các đại biểu góp ý sâu và chi tiết hơn.
Luật sư – ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh
“Một số đại biểu được đào tạo chuyên sâu về pháp luật và gắn bó với pháp luật hình sự cả trong thực tiễn lập pháp và thực tiễn hành nghề hàng chục năm, từng tham gia sửa chữa bộ luật này từ khóa XIII, trong đó có tôi thực sự không đủ thời gian khi nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị ý kiến phát biểu”.
Để khắc phục tình trạng này, ông Nghĩa đề nghị Quốc hội dành thêm ít nhất 1 ngày thảo luận tổ và dành thêm 1 ngày vào tuần thứ 3 của kỳ họp. Thậm chí, nếu cần thiết có thể dành thêm 1 ngày thứ Bảy cuối tuần để góp ý tại hội trường đối với dự thảo này trước khi bấm nút thông qua.
Trong dự thảo sửa đổi BLHS 2015, điều khiến nhiều người trong giới luật sư không đồng tình là khoản 3, Điều 19 quy định người bào chữa cho bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 BLHS. Luật sư Nguyễn Văn Chiến, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thẳng thắn: “Chỉ một vụ luật sư tố giác thân chủ thôi, xã hội có còn tin giới luật sư nữa hay không?”.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa lấy ví dụ khi luật sư thấy thân chủ chuẩn bị thực hiện việc khủng bố hoặc tham gia kế hoạch khủng bố, đặt bom ở đâu đó sẽ gây thiệt hại cho cộng đồng xã hội và nhà nước, trong trường hợp đó luật sư phải có trách nhiệm tố giác tội phạm vì đây là trách nhiệm công dân. Nhưng trong BLHS quy định về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có tới 84 tội, điều này rất dễ dẫn đến sự “tai nạn nghề nghiệp” cho luật sư.
Luật sư – ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa
“Tôi đề nghị cần khoanh lại những tội phạm nào mà luật sư cần tố giác tội phạm. Trước tiên, tôi đồng ý các tội xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Điều 108 đến Điều 121 thì luật sư phải tố giác tội phạm trong trường hợp khi các tội phạm này chưa thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện,” đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu ý kiến.
Để làm rõ hơn ý kiến của Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng luật hiện nay đang đánh đồng người bào chữa là luật sư và người bào chữa không là luật sư. Trong khi các luật sư chịu chi phối bởi rất nhiều điều: phải học Đại học luật 4 năm, học nghề 12 tháng, tập sự 12 tháng, tốt nghiệp kỳ thi hết tập sự, chịu sự điều chỉnh của Luật luật sư, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam, quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp và nhiều quy định nội bộ khác. Trong khi những người bào chữa khác không phải chịu sự chi phối đó. Do đó, cụm từ “người bào chữa” chịu ảnh hưởng rất nhiều và đối với người luật sư tham gia bào chữa thì trách nhiệm và ràng buộc hết sức nặng nề.
“Tôi có những băn khoăn như luật sư mà tố giác thân chủ thì có thể vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội,” ông Trương Trọng Nghĩa nói. “Theo nguyên tắc này, một người coi là có tội chỉ khi bản án có hiệu lực của Tòa án, còn việc chứng minh tội phạm là việc của cơ quan điều tra và công tố. Chính người đó cũng không phải chứng minh mình là vô tội mà luật sư lại đi tố giác. Luật sư tố giác thân chủ có thể vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo. Vì theo Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự, bị can bị cáo không buộc phải khai báo những điều bất lợi và không buộc phải nhận tội trong khi luật sư thì lại tố giác họ. Luật sư đi tố giác thân chủ là trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp vì phản bội lại niềm tin của bị can, bị cáo, trái với thiên chức của luật sư là gỡ tội”.
Nguồn: infonet.vn