Luật An ninh mạng không cản trở tự do internet của người dân

An ninh mạng là vấn đề an ninh phi truyền thống, ngày càng gắn với an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và lợi ích doanh nghiệp, người dân; Bởi vậy, các nước ngày càng quan tâm và quản lý chặt chẽ hơn bằng hàng loạt luật về an ninh mạng.

an ninh mang

Luật An ninh mạng của Việt Nam là cần thiết, bám sát xu hướng chung trên thế giới (Ảnh minh họa) 

Các nước đồng loạt tự bảo vệ mình

Mỹ có hệ thống bảo mật thông tinquốc gia sớm và hiệu quả bậc nhất trên thế giới, với một loạt đạo luật của chính quyền các tiểu bang và liên bang, như: Đạo luật Chia sẻ thông tin an ninh mạng (CISA) đưa ra các quy định cho phép chia sẻ thông tin trên Internet giữa Chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất công nghệ; Đạo luật Tăng cường an ninh mạng quy định mối quan hệ giữa Nhà nước và tư nhân trong việc tăng cường nghiên cứu, phát triển an ninh mạng, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng đối với vấn đề an ninh mạng; Đạo luật Thông báo vi phạm dữ liệu trao đổi liên bang; Đạo luật Tăng cường bảo vệ an ninh mạng quốc gia năm 2015 sửa đổi Đạo luật An ninh nội địa năm 2002 nhằm cho phép Trung tâm tích hợp truyền thông và An ninh không gian mạng quốc gia của Bộ An ninh nội địa Mỹ kiểm soát thêm các đại diện không thuộc liên bang, như các trung tâm phân tích, chia sẻ thông tin và tư nhân.

Đức thông qua Luật An ninh mạng ngày 17-12-2014 và trở thành nước đi đầu châu Âu trong xây dựng luật ở lĩnh vực này và đưa hạ tầng mạng quốc gia vào nhóm an toàn nhất thế giới, giúp cải thiện tình hình an ninh thông tin, bảo vệ tốt hơn cho các doanh nghiệp, cơ quan công quyền và người dân Đức trên môi trường mạng internet .

Trong Luật An ninh mạng định nghĩa rõ ràng và ghi cụ thể những điều đuợc phép, điều bị cấm chia sẻ hoặc viết trên mạng xã hội, căn cứ vào Luật An ninh quốc phòng, Luật Hình sự, Luật Dân sự Đức, bao gồm: Phát tán tài liệu của các tổ chức phi Chính phủ; Sử dụng phù hiệu hoặc biểu tượng các tổ chức trái với Hiến pháp; Âm mưu sử dụng bạo lực lật đổ an ninh quốc gia; Hướng dẫn người khác sử dụng bạo lực đe dọa an ninh quốc gia; Giả mạo thông tin gây ảnh hưởng đến an ninh đối ngoại; Công khai xúi giục hành vi phạm tội; Gây rối trật tự công cộng bằng đe dọa sử dụng hành vi phạm pháp;

Hình thành các tổ chức tội phạm, khủng bố ở trong và ngoài nước; sưu tập về các tổ chức này; Xúi giục (bạo lực, hận thù); Diễn tả bạo lực (gồm các hành vi phân tán các văn hóa phẩm có nội dung bạo lực tàn bạo); Phân phối, mua lại và sở hữu nội dung khiêu dâm của giới trẻ và tạo nội dung khiêu dâm có sẵn bằng radio  hoặc phương tiện truyền thông; Truy xuất nội dung khiêu dâm trẻ em và thanh thiếu niên qua phương tiện truyền thông; Các hành vi hình thành các tội: xúc phạm, phỉ báng, vu khống, đe dọa, trả tiền và đồng thuận cho một tội danh hình sự, nhục mạ tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như thế giới quan (tư tưởng) tạo bằng chứng giả và xâm phạm các khu vực sinh sống cá nhân bằng cách chụp ảnh…

Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của EU (GDPR) đã có hiệu lực vào ngày 25-5-2018, nhằm thống nhất một tiêu chuẩn duy nhất áp dụng cho các tổ chức hoạt động trong EU và cho các tổ chức xử lý dữ liệu của bất kỳ cư dân nào của EU để bảo vệ dữ liệu giữa tất cả các nước thành viên trong EU. Tiền phạt cho hành vi vi phạm có thể lên tới 20 triệu euro hay 4% doanh thu hàng năm.

Australia đã có Luật Tội phạm mạng; Luật Thư điện tử rác; Luật Viễn thông và Luật Bảo mật. Năm 2018, Singapore và Thái Lan cũng đang nỗ lực nâng cấp Luật An ninh mạng và kiện toàn Cơ quan An ninh mạng quốc gia để đối phó với mối đe dọa mạng. Ủy ban An ninh mạng quốc gia Thái Lan đã buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải gỡ bỏ, chặn các nội dung và trang mạng nhạy cảm khi được yêu cầu (theo đó, khoảng 300 tài khoản Facebook đăng tải bình luận, tài liệu phỉ báng Hoàng gia và chính quyền đã bị chặn).

Luật An ninh mạng Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Ở Việt Nam, ngày 12-6-2018, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, với số phiếu tán thành đạt 86,86% trong tổng số 95,69% đại biểu tham gia bỏ phiếu. Trong Luật An ninh mạng, những hành vi bị cấm cũng đã được quy định trong các luật và bộ luật khác, như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự… của Việt Nam; Cụ thể, các Điều 8, Điều 16, Điều 17 quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng không gian mạng gồm: soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; Làm nhục, vu khống; Xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Luật cũng nghiêm cấm các hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật Nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng và các hành vi khác xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi… Đồng thời, Luật An ninh mạng cũng quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của chủ quản hệ thống thông tin, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và cơ quan có thẩm quyền, cùng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng, các tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng trong quản lý, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin trên mạng có nội dung bị cấm như trên…

Như vậy, có thể thấy, dù có thể cần cụ thể hóa hoàn thiện thêm, nhưng về cơ bản, những quy định trong nội dung Luật An ninh mạng của Việt Nam là cần thiết, bám sát xu hướng chung trên thế giới về bảo đảm an ninh mạng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đặc biệt, không cản trở tự do sử dụng internet  và tự do ngôn luận lành mạnh của người dân ở Việt Nam như ai đó quan ngại.

ảnh 2

* Ông Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương: “Vừa qua, các đối tượng chống đối, phản động lấy mấy cái cớ và kích động lên. Chúng xuyên tạc nội dung để lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đặc khu đã gây mất an ninh – trật tự. Chúng tạo ra một làn sóng trên mạng xã hội, truyền bá các loại ý kiến xấu khác nhau, rồi hình thành việc kích động người dân thiếu thông tin”

ảnh 3

* TS. Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền con người: “Chúng ta hẳn còn nhớ sự kiện “cách mạng hoa nhài” ở Trung Đông. Các lực lượng chống đối đã kết nối với nhau, tạo ra  những cuộc bạo loạn lật đổ chính quyền sở tại và cái giá phải trả là rất đắt”.

ảnh 4

* Anh Đoàn Nguyên Bảo, Nghiên cứu sinh Học viện Ngoại giao: “Với Luật An ninh mạng chúng ta sẽ có được những chế tài ngăn chặn những thông tin xấu, không gây ra những biến động. Không thể từ những thông tin sai lệch trên mạng xã hội mà dẫn đến hành động ngoài đời vi phạm pháp luật. Khi Luật có hiệu lực sẽ quy định chi tiết rõ ràng về những hành vi phạm tội… để người dân biết và phòng tránh, tự bảo vệ chính mình”.

Theo anninhthudo.vn

LIÊN HỆ CHÚNG TÔI

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Địa chỉ: Tầng 7 - Cung Trí Thức, Số 1 Tôn Thất Thuyết, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: www.luatsuhanoi.vn - Email: doanluatsuhn@gmail.com -

Điện thoại: 02437 624 706 - 02437 624 707
Trường hợp khẩn cấp : 0949559898

Thông tin tài khoản ngân hàng: Đoàn Luật Sư Tp Hà Nội

Số tài khoản: 6666.6959.6666 - Ngân hàng TMCP QUÂN ĐỘI (MB) - Chi nhánh Điện Biên Phủ.

Số tài khoản: 1230.688.988 - Ngân hàng TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM (BIDV) - Chi nhánh Quang Trung.

DANH SÁCH MÃ QR TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI