TP – Ngày 14/4, tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội về công tác quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng, nhiều đại biểu lo ngại việc cho xây dựng ồ ạt nhiều chung cư cao tầng đồng nghĩa với việc đang “gom” dân chứ không phải giãn dân ra khỏi nội đô.
Trưởng đoàn giám sát, ông Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi làm việc.
Gom hay giãn dân nội đô
Đề cập về việc Hà Nội thực hiện chủ trương giãn dân khu vực nội đô trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho biết, từ lâu chúng ta thực hiện chủ trương giãn dân nội đô để nội đô văn minh sạch đẹp và giải quyết nhiều vấn đề liên quan môi trường ô nhiễm, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thực tế hiện nay công việc này chưa có kết quả. Hiện nay rất nhiều chung cư cao tầng “mọc” lên ở nội đô Hà Nội. Thậm chí các cơ quan chức năng phê duyệt cho chủ đầu tư xây dựng căn hộ diện tích nhỏ rồi bán cho người dân đua nhau vào trong nội đô để ở. “Câu hỏi đặt ra bây giờ chủ trương giãn dân sẽ được giải quyết như nào? Với việc quy hoạch như vậy thì Hà Nội đang gom dân hay giãn dân nội đô”, đại biểu Chiến nêu vấn đề.
Trả lời vấn đề này, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đang nỗ lực trong việc thực hiện giãn dân nội đô. Theo ông Vinh, vấn đề giãn dân nội đô đang gặp khó khăn do thiếu nguồn lực đầu tư phát triển để hút dân ra ngoài ngoại thành, mặt khác còn phải thực hiện theo lộ trình. “Ví dụ quy hoạch vùng Thủ đô xác định dân số khu vực lõi của Hà Nội gồm 4 quận nội thành cũ là khoảng 80 vạn dân, nhưng hiện nay dân số khu vực này đã lên đến 1,2 triệu. Việc ngay lập tức giãn 1,2 triệu dân xuống 80 vạn dân không phải nói là làm được ngay, phải kiên trì và có lộ trình”, ông Vinh nói.
Trước thông tin trên, Trưởng đoàn giám sát, ông Ngọ Duy Hiểu đặt câu hỏi: “Chúng ta đang nỗ lực giãn dân nội đô ra bên ngoài, vì sao Hà Nội lại vẫn cho xây chung cư trong khu lõi? Nó có tốn kém, bất cập gì không? Khu Đống Đa, Ba Đình có được xây không?”. Ông Vinh lý giải, việc cấp phép thêm để xây chung cư trong khu lõi nội đô lịch sử là không có. Chỉ cho phép cải tạo lại 17 khu chung cư cũ. Định hướng là phát triển bên ngoài vành đai II, tức từ sông Nhuệ trở ra thì đã nằm trong quy hoạch phát triển được tính toán cho phép xây cao tầng.
Đối với khu vực các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng theo ông Vinh hiện chủ yếu tập trung cải tạo các khu chung cư cũ, riêng khu Giảng Võ thì “hơi có vấn đề”, Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt, Hà Nội cũng đã có văn bản báo cáo. Ông Vinh cũng cho biết, hiện tại thành phố đang phát triển đô thị ra các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Xuân Mai, Sóc Sơn…để thực hiện mục tiêu di dân ra khỏi nội đô.
Quy hoạch, quản lý nhà cao tầng có vấn đề
Nhiều đại biểu cho rằng công tác quy hoạch Hà Nội đang còn nhiều bất cập. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, quy hoạch chung của Hà Nội quy định khu nội đô từ phía Nam sông Hồng đến vành đai 2, được giới hạn khu không phát triển các công trình cao tầng. Trong quy chế về quản lý nhà cao tầng của Hà Nội, những công trình bên trong này chủ yếu cao từ 21 – 27 tầng là tối đa, còn ra bên ngoài vành đai 2 hoặc sát vành đai 3 bắt đầu có công trình 39 tầng, các khu chung cư cải tạo cũng chỉ khoảng chừng 21 – 29 tầng. “Nhưng thực tế lại có khu mà người ta nói nhiều trong thời gian qua cao trên 40 tầng. Tôi nghĩ chắc chắn cái này các anh ở Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc bị sức ép rất lớn về chuyện này. Vậy đâu là nguyên nhân tạo ra cái đó? Sửa đổi luật pháp ra sao để tránh tình trạng này?”, ông Cường nói.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa cho rằng, nhân dân bức xúc nhiều về quy hoạch Hà Nội. “Chủ tịch thành phố có nói quy hoạch hiện nay bị “băm nát”. Đề nghị báo cáo rõ hơn nữa trách nhiệm của Sở Quy hoạch- Kiến trúc trong tham mưu cho thành phố để thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch đô thị. Đại biểu Nguyễn Văn Được thì cho rằng, hiện nay có tình trạng cấp phép một đằng, xây dựng một nẻo. “Bây giờ nhiều khu đô thị mới, tôi nghe cử tri nói, cấp phép 23 hoặc 27 tầng nhưng chủ đầu tư xây 41 – 43 tầng. Khu Linh Đàm bây giờ kinh khủng, chật ních, ùn tắc cả giao thông, ùn tắc cả thang máy. Việc này do quy hoạch, tất nhiên cấp phép thì có cả cấp trên duyệt nữa. Đề nghị phải kiểm tra, giám sát việc quy hoạch của chúng ta khi cấp phép thực hiện xây dựng dự án đó có đúng không”, ông Được nói.
Ông Ngọ Duy Hiểu thẳng thắn cho rằng, quy hoạch Hà Nội hiện nay cử tri khẳng định là chất lượng chưa cao, điều chỉnh nhiều, tràn lan. Có những chỗ điều chỉnh chưa hợp lý, có chỗ điều chỉnh do sự phát triển nhưng có chỗ điều chỉnh còn nhiều vấn đề mà thậm chí cử tri hoài nghi.
Nguồn: tienphong.vn