(Chinhphu.vn) – Gánh trên vai trách nhiệm nặng nề với vai trò là “người cầm lái”, Thủ tướng sẽ chèo lái “con thuyền Chính phủ” ra sao? Đã có khá nhiều người lo lắng cho rằng đây là một nhiệm kỳ hoạt động hết sức khó khăn của Chính phủ nói chung và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói riêng.
.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức ngày 26/7/2016
Cách đây gần 4 tháng, Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu được kiện toàn, làm nền tảng hoạt động trong nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đang đứng trước nhiều thách thức, do nền kinh tế đất nước chịu tác động bất ổn về chính trị và suy thoái kinh tế chung trên toàn cầu nên nợ công còn ở mức cao, kinh tế phục hồi chậm, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm thấp, nguy cơ lạm phát tăng, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu chưa đạt; việc bảo vệ môi trường còn yếu kém, đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường biển, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, vấn đề thực phẩm bẩn, hàng giả tràn lan mạnh trên thị trường tiêu dùng…
Gánh trên vai trách nhiệm nặng nề với vai trò là “người cầm lái”, Thủ tướng sẽ chèo lái “con thuyền Chính phủ” ra sao? Đã có khá nhiều người lo lắng cho rằng đây là một nhiệm kỳ hoạt động hết sức khó khăn của Chính phủ nói chung và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói riêng.
Tuy nhiên, nỗi lo lắng ấy dần có tín hiệu được xua tan ngay trong phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ vừa được kiện toàn (phiên họp thường kỳ tháng 4/2016 tổ chức ngày 4 và 5/5/2016), Thủ tướng đã có định hướng phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là “phải chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ; quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.
Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng thực hiện phương châm hành động đầy quyết tâm của mình và dễ dàng nhìn thấy nhất là việc “Nói đi đôi với làm”.
Theo dõi lịch trình làm việc của Thủ tướng, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên vì chỉ trong một tháng đầu, những nơi Thủ tướng đặt chân đều để lại dấu ấn cho đội ngũ công bộc và người dân suy nghĩ về hành động rất hiệu quả của người đứng đầu Chính phủ: Ngày 17/4 có mặt tại Quảng Trị; ngày 22/4 tại Lai Châu và ngày 24/4 tại Quảng Nam, ông đã liên tiếp dự các hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch và khởi công một số dự án lớn. Ở những nơi này, trong bài phát biểu chỉ đạo của mình, Thủ tướng luôn khẳng định quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và giới doanh nghiệp bởi đó là động lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước trong điều kiện hiện nay.
Sau đó, Thủ tướng đã vào TPHCM ngày 29/4 và đến Đồng Nai vào ngày 30/4 để chủ trì hội nghị trực tuyến với hơn 500 doanh nghiệp và đối thoại với 3.000 công nhân. Ngày 1/5, Thủ tướng trở ra Hà Tĩnh để làm việc khẩn cấp với UBND các tỉnh miền Trung về sự cố môi trường do hiện tượng cá chết hàng loạt nhằm tìm giải pháp hỗ trợ ngư dân cũng như chỉ đạo các cơ quan chức năng truy tìm nguyên nhân cá chết.
Bên cạnh các việc làm cấp bách đó, Thủ tướng vẫn duy trì, chỉ đạo, điều hành có hiệu quả hoạt động của Chính phủ trong đối nội, đối ngoại thông qua các phiên họp thường kỳ với các thành viên của Chính phủ, phiên họp trực tuyến với địa phương 63 tỉnh, thành phố và hoạt động ngoại giao đón tiếp đến hàng chục lượt khách quốc tế.
Có thể nói, những việc làm sau khi nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã để lại ấn tượng khi người dân thấy ông thực sự là một đại biểu dân cử, một công bộc của nhân dân bởi tính đi sâu, bám sát và hành động quyết liệt, hiệu quả từ việc nhỏ đến việc to.
Chẳng hạn, việc Thủ tướng xử lý vụ quán cà phê “Xin chào” thoát khỏi việc hình sự hóa quan hệ kinh doanh nhằm tạo niềm tin, sự yên tâm cho nhà đầu tư, thương nhân, bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn. Sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung được Thủ tưởng chỉ đạo xem xét, xử lý nghiêm túc để tìm ra thủ phạm và cuối cùng buộc Formosa phải xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, bồi thường khắc phục môi trường 500 triệu USD.
Thủ tướng cũng đã đưa ra các quyết sách tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên cơ sở rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; bảo đảm việc ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, tránh tình trạng nợ văn bản của các bộ, ngành dẫn đến thiệt hại cho dân doanh cũng như xóa bỏ triệt để giấy phép con là rào cản nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển.
Liên quan đến đời sống dân sinh, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, hạ mặt bằng lãi suất, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho một số lĩnh vực, nhóm ưu tiên như xuất khẩu, ngư dân, nông dân… Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu, không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập Quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT; còn về giá dịch vụ y tế, phải có lộ trình, phù hợp, không điều chỉnh đồng loạt cả 63 tỉnh, thành phố, bảo đảm giá dịch vụ y tế phải tương xứng với chất lượng khám chữa bệnh, đấu thầu tập trung đối với thuốc dùng cho bảo hiểm y tế nhằm giảm giá thuốc cho người bệnh.
Bên cạnh đó, đối với lương thực, thực phẩm, Thủ tướng quyết tâm thực hiện bình ổn giá cả, trong đó đặc biệt là giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong năm nay. Mới đây, Thủ tướng cũng đã quyết định hỗ trợ gạo cứu đói cho nông dân Gia Lai trong vụ giáp hạt. Tất cả những việc làm có ý nghĩa này đã khẳng định mạnh mẽ một thương hiệu “Thủ tướng của hành động” và hành động ấy chỉ vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, hành động vì dân.
Chính vì vậy, tại phiên họp thứ nhất Quốc hội thứ XIV, ngày 26/7/2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021, với tỉ lệ số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành rất cao.
Phát biểu sau lễ tuyên thệ, Thủ tướng khẳng định “sẽ nỗ lực hết mình để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phải có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của người dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội. Phải đẩy mạnh cải cách thể chế, chấn hưng giáo dục và khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. Trong quá trình phát triển quyết không vì phát triển kinh tế mà huỷ hoại môi trường. Sự kiện Formosa cũng là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. Chúng ta quyết không để tái diễn. Phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ lại các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ…”.
Những cam kết được Thủ tướng nhấn mạnh nêu trên đã một lần nữa khẳng định thông điệp của Thủ tướng xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ; quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đã được khẳng định mạnh mẽ làm nức lòng người dân, yên lòng về một Chính phủ kiến tạo dưới sự lãnh đạo, chèo lái của một Thủ tướng hành động chắc chắn sẽ đưa đất nước phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, quyền con người sẽ được bảo đảm.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến
(Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam)
Nguồn: baochinhphu.vn