(HBR) – Qua thực tiễn áp dụng, Bộ luật dân sự năm 2015 đã bộc lộ những vấn đề vướng mắc, bất cập. Trong đó, quy định văn phòng luật sư không phải là chủ thể tham gia quan hệ dân sự đã làm dấy lên những lo ngại đối với giới luật sư.
Đây là vấn đề được các luật sư đặt ra tại cuộc Toạ đàm đóng góp ý kiến của luật sư về những khó khăn vướng mắc trong việc hiểu và áp dụng Bộ luật dân sự 2015, do Đoàn luật sư thành phố Hà nội tổ chức sáng ngày 13/10, tại Hà Nội.
Toạ đàm đóng góp ý kiến của luật sư về những khó khăn vướng mắc trong việc hiểu và áp dụng Bộ luật dân sự 2015.
Tham dự và chủ trì có Luật sư Nguyễn Tiến Lập – Thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội; Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội; Luật sư Lê Đức Bính – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội; Luật sư Huỳnh Phương Nam – Thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội; Luật sư Lê Trung Sơn – Thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội, đến tham dự còn có đ/c Lê Thị Hoàng Thanh – Trưởng phòng Dân sự Bộ Tư pháp; PGS-TS Ngô Huy Cương Trưởng Bộ môn LDS khoa luật ĐHQG và hơn 40 Luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HÀ Nội.
Bộ luật dân sự 2015 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 24/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Theo quy định của Bộ luật này, chỉ còn hai loại chủ thể tham gia quan hệ dân sự là cá nhân và pháp nhân. Còn những chủ thể như hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, do vậy, không là chủ thể tham gia quan hệ dân sự.
Ngày 26/12/2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 32/2016/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/08/2014 của NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Theo quy định tại Thông tư này, các tổ chức không có tư cách pháp nhân không thuộc đối tượng được mở tài khoản thanh toán. Điều này gây ra lo ngại hoạt động của văn phòng luật sư sẽ gặp khó khăn.
PGS – TS Ngô Huy Cương bày tỏ quan điểm trong quá trình giảng dạy gặp phải nhiều vấn đề chồng chéo bất cập và mâu thuẫn với nhau và đưa ra những dẫn chứng đồng thời so sánh với một số nước như Liên Băng Nga, Nhật Bản vv..
Theo Luật sư Huỳnh Nam, Thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Điều 33 Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định, văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Văn phòng luật sư có tài khoản theo quy định của pháp luật. Như vậy, chiếu theo Bộ luật dân sự 2015, thì quy định trên không còn giá trị áp dụng.
Mặt khác, Luật sư Huỳnh Nam cũng chỉ ra, Điều 101 Bộ luật dân sự 2015 quy định, trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện, như vậy đã có sự mâu thuẫn giữa hai luật.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cũng tỏ ra băn khoăn: Nếu Văn phòng luật sư được thành lập hợp pháp, khi luật sư thành viên chết (Văn phòng luật sư 1 thành viên) thì Văn phòng luật sư còn tồn tại hay không? Việc giải quyết hậu quả pháp lý đối với các hoạt động thuế, ngân hàng… sẽ được giải quyết như thế nào?.
“Trên thực tế phải có hành lang pháp lý cho tổ chức này hoạt động”, Luật sư Lập nói.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Điều 125 Bộ luật dân sự 2015 bộc lộ những điểm bất cập theo quy định tại Khoản 2 Điều 21, Khoản 2 Điều 22 quy định rất rắc rối gây khó khăn trong quá trình hành nghề của luật sư …
Cũng có rất nhiều quan điểm của cá luật sư và chỉ ra những vướng mắc khó khăn
Tuy nhiên, nhiều ý kiến luật sư cũng cho rằng ngay cả khi cơ quan thuế có thể chấp nhận các chứng từ, thủ tục thuế đối với tài khoản mang tên cá nhân như tài khoản của văn phòng luật sư thì vẫn còn một số vướng mắc. Bởi, một văn phòng luật sư có thể có nhiều luật sư cùng làm việc chứ không chỉ có một luật sư tiếp cận khách hàng. Do vậy, khi mà các cộng sự của mình làm việc với khách hàng, với tư cách là cộng sự của một văn phòng luật sư nhưng khi khách hàng thanh toán chi phí và thù lao thì lại thanh toán tiền vào tài khoản mang tên cá nhân của luật sư được giao vụ việc thì không hợp lý.
Đồng thời, nếu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của luật sư, khách hàng là doanh nghiệp sẽ không đồng ý vì lo ngại không được hoàn thuế, tính chi phí thuế hợp lý cho các giao dịch này…/.
Theo dangcongsan.vn