Thời gian qua, đội ngũ Luật sư trong cả nước đã tự mình trau dồi đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, đóng góp tương đối có hiệu quả vào công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến và áp dụng pháp luật, góp phần bảo vệ công lý. Bên cạnh đó, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã quan tâm đến bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư.
Tiến sĩ, Luật sư Trần Đình Triển.
Phải nhìn nhận một thực tế khách quan là công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư những năm qua chưa thực hiện được như mong muốn. Cụ thể:
Nhiều quy định của pháp luật còn vướng mắc làm ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp của Luật sư nhưng Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố và Liên đoàn Luật sư Việt Nam chưa thực sự tập hợp đầy đủ ý kiến của các Luật sư để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư trong hành nghề.
– Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định Luật sư được quyền thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật, nhưng cụ thể là quy định pháp luật nào thì không nói rõ nên nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân có cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Luật sư hay không lại là quyền của họ. Trong khi pháp luật có chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho cơ quan tiến hành tố tụng thì với Luật sư, không có căn cứ nào để buộc tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc. Và như vậy, quy định về quyền được thu thập chứng cứ của Luật sư đang bị vô nghĩa trên thực tế.
– Đối với các vụ án có dấu hiệu oan, sai, quan điểm của Luật sư tại phiên tòa hoặc trong quá trình điều tra, truy tố đều có căn cứ pháp lý và bằng chứng nhưng hầu như không được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, trong khi luật pháp chưa có quy định một cách đầy đủ, rõ ràng về việc cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm tôn trọng ý kiến của Luật sư nhằm phòng chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
– Vai trò của Luật sư trong những việc tố cáo, tố giác tội phạm trước khi khởi tố vụ án hết sức mờ nhạt, dẫn đến tình trạng mất bình đẳng trước pháp luật, bỏ lọt tội phạm. Các kiến nghị của Luật sư trong những trường hợp này hầu như đều bị các cơ quan tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc đùn đẩy, hoặc trả lời với một câu ngắn gọn: “Không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự” mà không giải thích, lập luận lại quan điểm của Luật sư.
– Luật Khiếu nại đã quy định Luật sư được quyền tham gia tư vấn, đại diện cho người khiếu nại hoặc người bị khiếu nại, nhưng quy định này chưa được triển khai và quán triệt trên thực tế, dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân (thậm chí là cơ quan nhà nước có thẩm quyền) còn cho rằng Luật sư không được quyền tham gia.
– Việc cấp giấy chứng nhận bào chữa hoặc giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Luật sư hầu như không được các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết đúng thời hạn quy định. Không ít trường hợp điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tìm mọi lý do, thậm chí khuyên ngăn bị can, bị cáo không nên mời Luật sư bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.
– Trong giai đoạn điều tra, Luật sư được quyền tham dự với điều tra viên khi lấy lời khai; Luật sư được quyền hỏi bị can nhưng nội dung câu hỏi phải được điều tra viên đồng ý. Chính vì vậy mà việc Luật sư đặt ra câu hỏi gần như hầu hết đều bị điều tra viên từ chối. Đây là “lỗ hổng” của pháp luật khi không quy định rõ những nội dung nào thì Luật sư được hỏi, nội dung nào không được hỏi và bị nghiêm cấm (như câu hỏi có tính chất mớm cung, thông cung…).
– Trong giai đoạn truy tố và xét xử thì Luật sư được quyền gặp bị cáo. Tuy nhiên, pháp luật về quản lý trại giam lại quy định Luật sư không được gặp bị cáo quá 01 giờ; thậm chí khi Luật sư làm việc với bị cáo lại bị bố trí cán bộ quản lý trại giam ngồi theo dõi tại bàn Luật sư làm việc với bị cáo. Đây là quy định bất hợp lý, gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động hành nghề của Luật sư.
Những cản trở đối với Luật sư trong quá trình tác nghiệp
Không ít những phiên tòa mà Hội đồng xét xử không tuân thủ quy định của pháp luật; đe dọa, gạt bỏ ý kiến của Luật sư trong quá trình xét xử; thậm chí không cho Luật sư kiến nghị, đặt câu hỏi, cắt lời của Luật sư khi tranh tụng hết sức vô lý, nhưng Luật sư vẫn phải cam chịu, không được từ bỏ phiên tòa; hoặc ý kiến kiến nghị của Luật sư đối với cơ quan tiến hành tố tụng không được xem xét để xử lý.
Nhiều trường hợp, Luật sư bị đương sự hoặc người nhà của đương sự có quyền lợi đối lập trong vụ án chửi bới, xúc phạm, hành hung, đánh đập… nhưng không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý nghiêm minh. Trong quá trình hành nghề cũng không thiếu trường hợp Luật sư bị đe dọa, hành hung, đánh đập ngoài đường hoặc tại trụ sở văn phòng nơi Luật sư công tác, hoặc trụ sở cơ quan, tổ chức khác nhưng không được quan tâm giải quyết.
Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của khách hàng đối với Luật sư nhiều trường hợp còn chưa phân định rõ thuộc thẩm quyền của Đoàn Luật sư hay Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên dẫn đến mất rất nhiều thời gian của Luật sư trong việc giải trình. Một số tổ chức ở các Đoàn Luật sư còn chưa rõ về chức năng, nhiệm vụ; chẳng hạn như ban hòa giải, chức năng chính là hòa giải giữa các Luật sư với nhau khi có tranh chấp, khiếu nại, nhưng lại tiến hành hòa giải cả tranh chấp giữa Luật sư với khách hàng…
Theo quy định của Luật Luật sư thì vai trò, nhiệm vụ hàng đầu của Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Luật sư trong hành nghề. Để hoạt động hành nghề của Luật sư được thuận lợi hơn, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây:
– Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần thường xuyên tập hợp ý kiến của giới Luật sư về những quy định của pháp luật chưa phù hợp đang cản trở hoạt động nghề nghiệp Luật sư để kiến nghị ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
– Những vụ việc cụ thể gây cản trở hoạt động nghề nghiệp của Luật sư thì Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải kịp thời cử cán bộ tham gia giải quyết và kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ, xử lý nghiêm.
– Trường hợp Luật sư bị khiếu nại, tố cáo gửi đến Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong quá trình xem xét cần có Luật sư trong ban bảo vệ quyền lợi Luật sư bên cạnh Luật sư bị khiếu nại, tố cáo để phản biện, nhằm giải quyết việc khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật.
LSVN.VN