1. Thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông từ năm học 2020-2021 là 8 tuần
Nghị định 84/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 01/9/2020) quy định thời gian nghỉ hè của nhà giáo được quy định cụ thể như sau:
– Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;
(Hiện hành, quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông là 2 tháng, bao gồm nghỉ phép hằng năm).
– Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;
– Thời gian nghỉ hè hàng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
– Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của các đối tượng trên do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quyết định theo thẩm quyền.
Như vậy: Từ năm học 2020-2021 trở đi, thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông sẽ là 8 tuần thay vì 2 tháng như hiện nay; thời gian nghỉ hè của giáo viên mầm non vẫn giữ nguyên là 8 tuần.
2. Cưỡng ép kết hôn phạt đến 20 triệu đồng
Theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/9/2020) thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;
– Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;
– Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;
– Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Như vậy: Từ ngày 01/9/2020, người nào có hành vi cưỡng ép kết hôn có thể bị phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng.
3. Hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp từ 01/9/2020, gồm:
– Phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018;
– Bản công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 163/2018;
– Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt phát hành trái phiếu;
– Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán;
– Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có);
– Hợp đồng mua trái phiếu trong đó bao gồm cam kết của nhà đầu tư về việc đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin trước khi phát hành và hiểu rõ các rủi ro khi mua trái phiếu.
Căn cứ: Nghị định 81/2020/NĐ-CP ngày 09/7/2020.
4. Chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật
Chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật được ban hành kèm theo Thông tư 17/2020/TT-BGDĐT ngày 29/6/2020.
– Mục đích: Chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật quy định về hệ thống kí hiệu ngôn ngữ Việt Nam dành cho người khuyết tật nghe, nói sử dụng.
– Hệ thống kí hiệu ngôn ngữ Việt Nam: Hệ thống kí hiệu ngôn ngữ Việt Nam trong quy định này bao gồm bảng quy ước mũi tên, bảng kí hiệu chữ cái và các dấu thanh, bảng kí hiệu chữ số và danh mục từ ngữ kí hiệu (Xem chi tiết tại Thông tư 17)
Chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật quy định tại Thông tư 17/2020 áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động giáo dục liên quan đến người khuyết tật.
5. Hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ từ 01/9/2020, gồm:
– Bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các giấy tờ sau:
+ Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập (đối với tổ chức).
+ Hộ khẩu thường trú (đối với cá nhân hành nghề độc lập).
+ Chứng chỉ hành nghề lưu trữ của người tham gia hoạt động dịch vụ (đối với tổ chức).
+ Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (đối với cá nhân hành nghề độc lập).
– Danh sách người hành nghề lưu trữ (đối với tổ chức).
– Tài liệu chứng minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc để thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ: Thông tư 02/2020/TT-BNV ngày 14/7/2020.
6. Mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ tham chiếu cho doanh nghiệp; các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ 01/9/2020
– Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Khoản 1, 2 Điều 8 và Điều 9 Nghị định 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 tham chiếu mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ tại Phụ lục 1, Phụ lục 2, Phụ lục 3 Thông tư 67/2020/TT-BTC để xây dựng Quy chế kiểm toán nội bộ, đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị định 05/2019.
Các đơn vị các được khuyến khích xây dựng Quy chế kiểm toán nội bộ trên cơ sở tham chiếu mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ trên nhưng không bắt buộc.
– Các doanh nghiệp sau đây tham chiếu mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ tại Phụ lục Thông tư 66/2020/TT-BTC để xây dựng Quy chế kiểm toán nội bộ, đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị định 05/2019:
– Công ty niêm yết;
– Doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con;
– Doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.
Những doanh nghiệp không thuộc diện nêu trên khuyến khích thực hiện mà không bắt buộc.
7. Ban hành các biểu mẫu dùng trong hoạt động tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh
Bộ Công an ban hành Thông tư 79/2020/TT-BCA về hướng dẫn thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh có hiệu lực từ ngày 01/9/2020.
Theo đó, Ban hành kèm theo Thông tư 79/2020 các biểu mẫu:
– Quyết định tạm hoãn xuất cảnh (Mẫu M01), Quyết định gia hạn tạm hoãn xuất cảnh (Mẫu M01b), Quyết định hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh (Mẫu M01c).
– Thông báo tạm hoãn xuất cảnh (Mẫu M01d).
– Thông báo danh sách tạm hoãn xuất cảnh (Mẫu M01đ).
– Quyết định chưa cho nhập cảnh (Mẫu M02), Quyết định giải tỏa chưa cho nhập cảnh (Mẫu M02b).
– Văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh (Mẫu M03).
– Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ, giải tỏa (Mẫu M04) theo đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền.
– Văn bản trao đổi với cơ quan, người có thẩm quyền ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh/chưa cho nhập cảnh (Mẫu M05).
8. Quy định về phân nhóm gói thầu trang thiết bị y tế
Bộ Y tế ban hành Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2020.
Theo đó, gói thầu trang thiết bị y tế có thể có một hoặc nhiều chủng loại trang thiết bị y tế và mỗi chủng loại trang thiết bị y tế có thể được phân chia theo 06 nhóm, đơn cử như:
– Nhóm 1 gồm các trang thiết bị y tế đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau đây:
+ Được ít nhất 02 nước trong số các nước thuộc Phụ lục số I kèm theo Thông tư 14/2020 (sau đây gọi là nước tham chiếu) cấp GCN lưu hành tự do;
+ Sản xuất tại nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.
– Nhóm 2:
+ Được ít nhất 02 nước tham chiếu cấp GCN lưu hành tự do;
+ Không sản xuất tại các nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.
– Nhóm 3:
+ Được ít nhất 01 nước tham chiếu cấp GCN lưu hành tự do;
+ Sản xuất tại nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.
– Nhóm 4:
+ Được ít nhất 01 nước tham chiếu cấp GCN lưu hành tự do;
+ Không sản xuất tại các nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.
9. Hướng dẫn về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ, hoạt động của Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý
– Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ, hoạt động của Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp được hướng dẫn tại Thông tư 63/2020/TT-BTC ngày 25/6/2020.
– Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý được hướng dẫn tại Thông tư 59/2020/TT-BTC ngày 18/6/2020.
10. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia
Thông tư 05/2020/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, đơn cử như sau:
– Bổ sung Khoản 8 Điều 4; Khoản 9 Điều 15.
– Sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Điều 15; Điều 16; Khoản 2 Điều 29; Khoản 2 Điều 32.
Theo: thuvienphapluat.vn